Dùng sâu để trị sâu

Thứ năm , 19/12/2013, 01:00 GMT+7
     
\"Ít ai biết rằng, một con bọ rùa chỉ to bằng hạt đỗ nhỏ nhưng trong suốt vòng đời của nó khoảng 4 tháng lại có thể tiêu diệt được không dưới 5 nghìn con rệp hại cây trồng”, nghiên cứu viên Vũ Thị Chỉ, phòng Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện KH-CN Việt Nam) cho biết.$0

Các nhà khoa học Phòng côn trùng học thực nghiệm, đã triển khai thí điểm mô hình sản xuất rau sạch, bằng việc sử dụng các loài thiên địch có lợi để tiêu diệt sâu hại thay vì phương pháp phun thuốc trừ sâu như trước đây tại 2 mô hình thí điểm ở vùng sản xuất rau Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai- Hà Nội) và Tiền Phong (Mê Linh- Hà Nội).Nhân nuôi côn trùng có ích tại Phòng Côn trùng học thực nghiệm- Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật .Các nhà khoa học mang những con ong mắt đỏ, bọ rùa, bọ đuôi kìm, bọ xít nâu… đã được nhân nuôi tại phòng thí nghiệm sang thả tại các ruộng rau thí điểm trong nhà lưới.

Với diện tích gần 10ha được triển khai, những con sâu hại rau như sâu tơ, sâu khoang, rệp, … đã trở thành nguồn thức ăn cho thiên địch.TS. Trương Xuân Lam, trưởng Phòng Côn trùng học thực nghiệm cho biết, tùy từng đối tượng, mật độ sâu hại và diện tích trồng rau mà thả loại thiên địch phù hợp. Ví dụ để trừ rệp thì thả bọ rùa, bọ đuôi kìm với tỷ lệ từ 1- 1,5 con/1m2 . Để trừ sâu, thả ong mắt đỏ, bọ xít với tỷ lệ 60- 100 con/ 1 sào Bắc bộ. Kết quả thử nghiệm cho thấy, diện tích rau được thả thiên địch so với diện tích rau trồng đối chứng (rau trồng phát triển tự nhiên, không can thiệp bằng bất kỳ biện pháp phòng trừ sâu bệnh nào) mang lại hiệu quả cao hơn hẳn. 

Rau tươi, lượng sâu hại giảm từ 70-80%, cho thu hoạch nhiều lần. Quan trọng hơn, người dân giảm được đáng kể công lao động, không phải sử dụng thuốc trừ sâu hoặc hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu đem lại sản phẩm rau sạch, an toàn cho người sử dụng. Bà Trần Thị Thảo ở HTX nông nghiệp Lĩnh Nam cho biết, sử dụng thiên địch làm sạch rau đã mang lại hiệu quả tốt đẹp. Không phải tốn nhiều tiền mua thuốc trừ sâu, nếu trước đây một vụ rau phải phun 10 lần thuốc thì giờ giảm xuống còn không quá 1 lần/vụ. Mô hình dùng thiên địch bắt sâu hại rau, được cả nhà khoa học và người nông dân khẳng định sự thành công và hiệu quả tốt.

Tuy nhiên, để mô hình được triển khai đại trà thì không phải chuyện dễ dàng... TS Trương Xuân Lam cho rằng, sở dĩ khó nhân rộng mô hình nuôi thả thiên địch trên đồng ruộng bởi chi phí cho nguồn thiên địch còn khá cao. Chẳng hạn, để phòng trừ rệp trên 1 sào rau cần thả ít nhất 300 con thiên địch với giá trung bình từ 3.000đ - 3.500đ/con. Như vậy, 1 sào rau cần chi phí khoảng 900.000đ. Trong khi nếu sử dụng thuốc trừ sâu thì chỉ cần vài chục nghìn là đủ cho mấy sào rau.

Nguyễn Quang Cường, phòng Côn trùng học thực nghiệm cho biết thêm, để có thể nhân nuôi thành công thiên địch cần đầu tư hàng loạt các trang thiết bị tốn nhiều kinh phí như điều hòa, cabin nuôi và đặc biệt là duy trì nguồn thức ăn để thiên địch sinh trưởng phát triển trong khi nguồn kinh phí nhà nước cấp cho đề tài còn quá ít ỏi. Bà Trần Thị Thảo lo lắng sản phẩm rau sạch khó có thể cạnh tranh được với nhiều loại rau bán đại trà trên thị trường do thói quen tiêu dùng của người dân vẫn ưa chuộng rau rẻ.Thiên địch là các loài sinh vật được sử dụng để diệt trừ các sâu bệnh hại, bảo vệ mùa màng. Các loài thiên địch phổ biến là: chuồn chuồn, bọ ba khoang, chim chích bông, chim sâu... Ngày nay, sử dụng thiên địch là một trong những biện pháp sinh học được ứng dụng rất nhiều trong thực tiễn sản xuất.

Nguồn: http://dietcontrung24h.vn