Máy bắt muỗi mà chẳng bắt được muỗi!

Thứ năm , 19/12/2013, 00:40 GMT+7
     
Chị Nguyễn Hoàng Liên (Trung Yên, Cầu giấy, Hà Nội) mua một chiếc máy \\\\\\\"bắt\\\\\\\" muỗi về sử dụng, nhưng khi máy hoạt động chỉ có tác dụng thu hút muỗi về phía có ánh sáng đèn chứ không bắt hay diệt được muỗi.

Máy bắt muỗi được bán khá nhiều tại các cửa hàng đồ điện trên phố Vọng, phố Huế (Hà Nội) và các cửa hàng đồ gia dụng, siêu thị với đủ kiểu loại từ máy giống chiếc quạt và đèn đến các loại máy có hình dáng cầu kỳ, hình các con vật ngỗ nghĩnh... Ông Nguyễn Văn Lạng, Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ, ông hoa mắt khi đi chọn mua máy bắt muỗi vì có quá nhiều chủng loại, cuối cùng ông vào một cửa hàng điện có chương trình khuyến mại: mua 1 tặng 1 - tức mua một máy bắt muỗi được tặng thêm một máy bắt muỗi nữa có giá 980.000đ. Nhưng kết quả của sự kỳ vọng sẽ hết muỗi trong nhà là mọi người trong nhà ông bị muỗi cắn đỏ người.

GS.TS Vũ Quang Côn, chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, một số loài muỗi là loài hướng quang (thích tìm đến nơi có ánh sáng). Lợi dụng đặc tính này mà người ta chế tạo ra đèn và máy bắt muỗi. Đối với những loại đèn không hút được muỗi, GS.TS Vũ Quang Côn cho rằng, có thể do sử dụng sai màu sắc ánh sáng ưa thích của côn trùng mà một số loại đèn của Trung Quốc hiện bán trên thị trường không thực sự hiệu quả.

Ngoài ra, cũng cần hiểu rõ rằng mỗi loài, dù là loài hướng quang, cũng chỉ thích nghi với một bước sóng ánh sáng nhất định, thường là các bước sóng ngắn. Do vậy, không phải loại máy nào với một bước sóng nhất định mà có thể đuổi hoặc bắt để diệt được tất cả các loại côn trùng.

Máy bắt muỗi dùng ánh sáng chỉ là để "dụ" muỗi bay tới, còn để diệt muỗi cần có tấm lưới điện mỏng bao bọc phía ngoài để khi muỗi bị hút tới sẽ chạm vào lớp mạch điện này và bị đốt cháy. Trường hợp máy có lưới điện mạch bao bọc phía ngoài mà vẫn không diệt được muỗi có thể do lưới này hoạt động không hiệu quả, máy chỉ thu hút muỗi đến mà không diệt được muỗi.

Chỉ có tác dụng trên lý thuyết

PGS.TS Bùi Công Hiển, nguyên giảng viên khoa Sinh, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho hay, cũng dựa vào sự giao tiếp bằng sóng âm tần nên người ta đã sử dụng các bước sóng âm nhằm mục đích làm cho muỗi bị hoảng sợ. Với các máy này, thiết bị cảm biến sau khi cắm điện sẽ chuyển đổi thành sóng âm, lúc này sóng sẽ được truyền qua không khí và phân tán khắp quanh nhà. Sóng âm này có thể xuyên qua tường như sóng radio, gây hoảng loạn cho động vật. Tuy nhiên, những tác dụng này chỉ là trên lý thuyết, còn thực tế sử dụng không phải lúc nào cũng đúng như vậy.

Theo GS.TS Nguyễn Hoàng Nghị, Viện Vật lý Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội, về mặt vật lý, máy bắt muỗi dựa trên tia cực tím để thu hút muỗi đến gần và dùng quạt hút cùng tấm đốt cháy để tiêu diệt muỗi. Còn máy đuổi gián, chuột dựa trên sóng siêu âm, sóng hạ âm, bức xạ là các bước sóng khác nhau để tạo ra các âm thanh phù hợp với ngưỡng nghe của các loài vật, từ đó khiến chúng khó chịu mà bỏ đi. Tuy nhiên, các bước sóng ở mức độ nào để phù hợp với từng loài vật cần xua đuổi hay tiêu diệt, và có ảnh hưởng đến các loài khác cũng như môi trường xung quanh hay không, mức độ ảnh hưởng thế nào thì vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng. Đề nghị các cơ quan chức năng phải làm rõ tác dụng thực của những loại máy này, đồng thời yêu cầu các cơ sở kinh doanh cần phải ghi rõ các chỉ số nghiên cứu trong các sản phẩm để người dân hiểu biết khi sử dụng.

Nguồn: http://dietcontrung24h.vn