Thuyết minh về cây đa Việt Nam

Thứ bảy , 23/08/2014, 02:42 GMT+7
     
Tổng hợp những bài văn sưu tập về chủ đề thuyết minh về cây đa Việt Nam được đánh giá hay, sâu sắc và mang lại nhiều ý nghĩa nhân văn cho độc giả mà mình sưu tầm được.

Mình xin tổng hợp vài một số bài văn hay, ý nghĩa nhân văn cao về chủ đề Thuyết minh về cây đa Việt Nam được sưu tập từ nhiều nguồn khác nhau rất hay. Cây đa là một trong những cây linh thiêng ở đầu làng mà nhân dân tín ngưỡng. Với nhiều góc nhìn và cảm nhận khác nhau về đây đa mà  ta có thể cho ra đời hàng hàng bài văn lời hay, ý đẹp về chủ đề này. Nhưng với những cách nhìn tổng quát, khác biệt và độc đáo lại tạo ra được nhưng bài văn thuyết minh về cây đa Việt Nam cực kì hay. Vày đưới đây là những bài văn mà mình đã sưu tầm được.

Thuyết minh về cây đa Việt Nam bài mẫu 1:

           Không biết tự bao giờ cùng với bến nước, sân đình, cây đa đã trở thành biểu tượng của làng quê đất Việt. Ai đó xa quê hẳn không thể không có những phút nao lòng mỗi khi nhớ về những kỷ niệm bên gốc đa làng. Cây đa đi vào ca dao, trong chuyện cổ tích, trong mỗi khúc dân ca. Quên sao được câu chuyện của bà dưới gốc đa có Thạch Sanh, chú Cuội. Nhớ vô cùng điệu "Lý cây đa" người thương ta đã hát. "Cây đa, bến nước, sân đình" phải chăng đã trở thành những thiết chế văn hoá không thể thiếu được của làng ta xưa?
          Thật vậy, với đặc tính sinh vật của mình, cây đa đã gắn bó sâu sắc với làng. Đa rất dễ trồng và sống lâu tới ngàn tuổi. Trong bão táp phong ba, trải qua bao thế hệ, cây đa vẫn sừng sững toả bóng mát giữa trời, ôm cả một góc quê hương. Cành đa vươn đến đâu buông rễ chùm, rễ nổi đến đó. Từ rễ hoá thành thân, để cây đa có thêm nhiều cội. Có cây có tới "chín cội" lừng lững uy nghiêm cả một góc làng. Những cội đa đó như những cánh tay khổng lồ cơ bắp cuồn cuộn nâng cả tán cây lên giữa trời xanh. Ngoài những cội chính ra đó, đa còn có bao nhiêu là rễ chùm rễ phụ buông lơ lửng lưng trời như tóc ai đang xoà bay trong gió. Trẻ chăn trâu tha hồ ẩn náu trong từng cội đó chơi trò đuổi bắt. Lá đa xanh ngắt bốn mùa gọi chim về làm tổ. Trong vòm lá chim ríu rít gọi bầy. Dưới gốc đa trẻ nô đùa hò hét. Và kia, con trâu nhà ai đang mơ màng lim dim nằm nhai cỏ để cho lũ chim sáo nhảy nhót cả lên đầu.
         Đa không có giá trị kinh tế như các loài cây khác, không cho quả thơm như mít, như xoài; không có hoa đỏ như gạo, hoa tím như xoan. Đa chỉ có tấm thân lực lưỡng, trăm cành hiên ngang và tán lá quanh năm xanh ngắt. Đa chỉ có bóng mát cho đời. Đa càng sống lâu càng khoẻ chắc kiên cường. Bởi thế, giá trị tinh thần của đa thật lớn. Đa là cây cao bóng cả của làng. Chim muông tìm đến đa để làm tổ. Người thương lấy gốc đa làm nơi hò hẹn, đợi chờ. Xao xuyến làm sao, một đêm trăng, cành đa la đà trước ngõ để cho ai đó ngắm trăng ngơ ngẩn đợi người! Những trưa hạ oi nồng, gốc đa thành nơi dừng chân cho bao lữ khách. Người làng ra đồng, ra bãi gồng gánh trên vai, cả con trâu cái cày cũng lấy gốc đa làm chỗ nghỉ. Quán nước ven đường dưới gốc đa ấy râm ran bao chuyện ở đời. Bát nước chè xanh hay bát vối đặc cùng với ngọn gió mát lành dưới bóng đa rì rào ấy đã xua đi bao gian khó nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh. Cổng làng bên cạnh gốc đa, nơi thuở thiếu thời ta chong chong chờ mẹ đi chợ về có gió cành đa vỗ về ôm ấp để đến bây giờ cái cảnh ấy vẫn hoài niệm canh cánh mãi trong ta. Và anh nghệ sỹ, góc máy nào, gam màu nào để anh có được một tấm ảnh, một bức tranh cổng làng ta, mái đình quê ta với gốc đa sần sùi rêu mốc, lá đa xanh ngát đẹp ngời đến thế!
          Cây đa đi vào lịch sử mỗi làng. Thời chống Pháp, ngọn đa là nơi treo cờ khởi nghĩa, gốc đa là nơi cất giấu thư từ, tài liệu bí mật. Thời chống Mỹ, ngọn đa lại là chòi gác máy bay, nơi treo kẻng báo động. Còn mãi trong ta hình ảnh cây đa Tân Trào thủ đô kháng chiến khi xưa. Đa là nỗi kinh hoàng cho lũ giặc, là bình yên cho xóm cho làng. Phải chăng "thần cây đa" cũng là từ ý nghĩa đó. Đa là một trong những biểu tượng của làng.
          Bác Hồ, người "Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới", Người đã phát động Tết trồng cây và việc trồng cây mỗi mùa xuân đến theo lời Bác dạy là một nét đẹp văn hoá của người Việt Nam chúng ta. Cả cuộc đời Người, Bác đã trồng biết bao cây xanh tạo bóng mát cho đời, trong đó có nhiều cây đa. Tết Kỷ Dậu (1969) Tết cuối cùng của Bác Hồ, Bác đã trồng cây đa cuối cùng tại xã Vật Lại (Ba Vì). Những cây đa Bác trồng đã vươn cành xanh lá toả bóng rợp mát quê hương. Theo chân Bác, cùng với việc trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, chúng ta hãy trồng thêm nhiều cây đa nữa ở những nơi trung tâm làng xã để cho "cây đa, bến nước, sân đình" mãi là những tín hiệu bình yên, biểu tượng của một làng quê văn hoá Việt Nam.
 
Thuyết minh về cây đa Việt Nam bài mẫu 2:
 
Tôi đọc bài viết hoài niệm về giếng làng của tác giả Trần Văn Lượng một người con quảng văn , sống tại TP HCM . Tôi nghỉ rằng thời xa xưa mỗi làng quê Việt Nam đều gắn liền cây đa , giếng nước , đình làng đã đi vào thơ ca , nhạc họa . Quê hương chúng ta có bài viết về đình làng , giếng nước thế rồi trong lòng tôi lại ấp ủ trào dâng ý tưởng đến cây đa , nơi chứa đựng bao nhiêu kỷ niệm vui buồn . Bởi vậy tôi mạo muội đôi dòng ký ức về cây đa
Tôi đọc bài viết hoài niệm về giếng làng của tác giả Trần Văn Lượng một người con quảng văn , sống tại TP HCM . Tôi nghỉ rằng thời xa xưa mỗi làng quê Việt Nam đều gắn liền cây đa , giếng nước , đình làng đã đi vào thơ ca , nhạc họa . Quê hương chúng ta có bài viết về đình làng , giếng nước thế rồi trong lòng tôi lại ấp ủ trào dâng ý tưởng đến cây đa , nơi chứa đựng bao nhiêu kỷ niệm vui buồn . Bởi vậy tôi mạo muội đôi dòng ký ức về cây đa ,bản thân cũng không rõ lắm nguồn gốc cây đa làng ta trồng từ bao giờ . Theo tôi suy đoán phải chăng ông cha chúng ta khi xây dựng đình làng , miếu mạo thì nghỉ đến trồng cây đa và đào giếng làng có lẽ công việc thẩm định này phải xin nhờ đến các bậc tiền bối và các nhà sử học…Tuổi thơ tôi cũng như bao thế hệ lớn lên từ làng quê yêu dấu , nơi chôn rau cắt rốn và ra đi trên mọi nẻo đường đất nước . Tôi còn nhớ hồi đó có sự may mắn , gia đình tôi sống gần cây đa , khoảng hơn năm trăm mét . Hằng ngày mỗi lần ra chợ , tắm con sông quê hương tôi và bạn bè cùng trang lứa thường đi qua con đường có lũy tre xanh và cây đa này . Cây đa được trồng cách đình làng khoảng hai trăm mét cạnh bến xóm Nam , còn gọi là xóm Đình , nằm trong khuôn viên chợ Mai . Cây đa cổ thụ , vóc dáng cao lớn , sừng sững uy nghiêm , đứng trên thế đất cao vững chải tựa như người lính đứng canh giữ hòn đảo thân yêu giữa trùng khơi.
Đường kính gốc cây khoảng hai người lớn ôm mới xuể . Thân cây xù xì , có nhiều u bướu màu nâu đen , uốn lượn vươn ra hướng bờ sông xanh trong , mặn nồng . Mang theo nhiều rể phụ đâm ra tua tủa lơ lửng lưng trời giống “ chòm râu ” trong thật tuyệt vời . Dưới gốc cây đa nào là rể chính , rể phụ , rể ngang , rể dọc đua nhau bám sâu vào lòng đất . Có một số rể mọc ngoằn ngoèo nổi lên như con rồng hội tụ vào gốc cây . Tán lá xum xuê xanh rờn , lá đa to bằng bàn tay người lớn . Mỗi dịp tết đến Xuân về , hay những buổi trưa hè oi ả , hoặc đến mùa quả chín . Vui nhất là sau các trận bóng đá kịch tính tại sân trường.
Lũ trẻ chúng tôi đa phần là con cháu “ xóm Đình tụ họp ” , lứa tuổi từ năm đến mười lăm tuổi , nay ở độ tuổi trung niên . Một số thành ông bà nội ngoại lại kéo nhau về nô đùa , vui chơi , thay nhau trèo cây hái quả đa da căng tròn chính mọng , to bằng ngón tay cái , dài khoảng hai đốt ngón tay , màu vàng đỏ.
Trong ruột quả có nhiều sợi mềm hạt nhỏ li ti như hạt vừng đen . Khi ăn có vị ngọt thơm lừng . Nếu quả đa tuổi đang xanh thì thịt chắc và vị chát . Có lúc ngẩu hứng , chúng tôi thi nhau hái lá đa , chọn những lá to bản , đẹp vừa ý , cắt một phần ba đầu cuống lá tạo dáng hai cái sừng trâu . dùng một sợi dây dài khoảng độ một gang tay người lớn , nhỏ như sợi chỉ buộc vào đầu cuống lá xuyên ra sau . Đồng thời uốn gấp tròn phần lá còn lại , kéo sợi dây tạo thành “con trâu” thật hiền lành , dễ thương . Rồi trên tay mỗi đứa trẻ cầm một “con trâu lá đa” cứ thế từng cặp trâu cho húc đầu vào nhau , y hệt lễ hội “ chọi trâu Đồ Sơn , Hải Phòng ” trên ngọn cây đa cao vút , có tổ chim quạ to tướng lũ trẻ chỉ biết ngắm nhìn mỗi khi Quạ mẹ  kiếm được mồi bay về tổ cho Quạ con  thật tình cảm ấm áp như tình người . Ở Làng cứ hai đến ba tháng “ đến hẹn lại lên ” có một đến hai tối mọi người được thưởng thức chương trình phim nhựa màn ảnh rộng chiếu ngoài trời nay gọi là phim bải . Tại gốc cây đa này lại rộn ràng tiếng hát , tiếng thuyết minh phim của các “ liền anh , liền chị ” ánh điện tỏa sáng lung linh hòa lẫn với tiếng máy phát điện , tiếng loa đài phóng thanh ồn ào náo nhiệt . Riêng lũ trẻ chúng tôi thì đùa giỡn , nghịch ngợm đi lại lộn xộn , mất trất tự ảnh hưởng đến sự chăm chú của người xem…Bây giờ nghỉ lại thật là vui .
Ngoài ra củng tại gốc cây đa này chứng kiến người cán bộ xã tận tụy với công việc , hết mình vì dân đêm đêm tay cầm đèn bão như con mắt thần quan sát mực nước lên xuống trong mùa mưa lũ . Cập nhật thông tin , báo động cho dân làng khi có nguy cơ cao và tìm phương án tốt nhất di chuyển dân đến địa điểm an toàn . Thời gian cứ thế thấm thoắt trôi đi , lịch sử là một dòng chảy liên tục , thời gian không bao giờ trở lại . Vì điều kiện công việc lâu lâu lại có dịp về quê , thời gian eo hẹp . gần đây tôi có tâm sự với anh Phạm Văn Mùi nguyên chủ tịch UBND xã Quảng Văn nay có cháu nội , ngoại . tuy nhiên sức khỏe của anh đang còn sung mãn lắm . Anh bảo : “ hiện tại cây đa không còn nữa… ” theo tôi xã nên có kế hoạch triển khai trồng lại cây đa theo đúng vị trí quy hoạch tổng thể của xã nông thôn mới , để “ trả lại tên cho em ” xứng tầm với cây đa , là bảo vật xã nhà . giờ đây hình ảnh cây đa thân quen không có nữa , chỉ là trong kí ức của mọi người . điều quan trọng đó là cả tấm lòng , tình cảm của chúng ta dành cho thế hệ mai sau.
 
Thuyết minh về cây đa Việt Nam bài mẫu 3:
 
Từ bao đời nay, mỗi người Việt đều coi mái đình, cây đa như một biểu tượng của làng quê truyền thống, đặc biệt là làng quê Bắc Bộ. Cây đa với ý nghĩa biểu vật và ý nghĩa biểu tượng đã xuất hiện trong văn học dân gian, đặc biệt là ca dao và cũng có mặt trong văn học bác học. Theo thống kê của chúng tôi, trong bộ Kho tàng ca dao người Việt của Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật 1995 (chủ biên), NXB VHTT, Hà Nội, cây đa xuất hiện trong 58 lời ca dao với ba phạm trù ý nghĩa: gợi hứng bắt vần, biểu vật và biểu tượng.
 
Ý nghĩa biểu tượng đầu tiên của cây đa là sự trường tồn, sức sống dẻo dai. Nói về sức sống của cây đa, từ khoảng giữa thế kỷ 15 Nguyễn Trãi đã viết bài Lão dung (cây đa già) trong Quốc âm thi tập:
 
Tìm được lâm tuyền chốn dưỡng thân
Một phen xuân tới một phen xuân.
 
Mỗi lần xuân đến cây lại "một phen xuân" nghĩa là cành lá tươi tốt hơn, cây đâm cành, nảy lộc sum suê hơn. Không phải ngẫu nhiên mà những bậc cao niên, những người đã có nhiều thành tựu ở một lĩnh vực nào đó thường được đồng nghiệp và xã hội coi là "cây đa, cây đề", biểu tượng cho sức làm việc quên mình, dẻo dai, cho sự tích lũy kiến thức phong phú.
 
Trong ca dao ý nghĩa vững bền của cây đa được thể hiện qua những lời ca nói về tình yêu đôi lứa:
 
Có quán tình phụ cây đa
Ba năm quán đổ cây đa hãy còn.
 
Ba năm là khoảng thời gian quá ngắn so với tuổi đời của cây đa, song điều đó không quan trọng. Vấn đề mà tác giả dân gian muốn nói là sự phụ bạc trong tình yêu sẽ dẫn đến kết quả không tốt đẹp, ít nhất là sự ân hận, nuối tiếc bởi tình yêu đích thực chỉ có một và nó sẽ trường tồn. Quán hàng có thể đổ sau một vài năm song cây đa thì còn lâu dài, không chỉ ba năm mà có thể từ đời này sang đời khác. Cũng với ý nghĩa trường tồn ấy cây đa xuất hiện trong ca dao như một nhân chứng của thời gian, chứng kiến những sự đổi thay của con người, của đất trời, đôi khi là cả một vòng đời người.
 
Thời gian cứ miệt mài trôi phủ dần từng lớp sương khói trên mỗi mái đầu, con người đến một lúc nào đó muốn tìm lại "những ngày xưa thân ái" của mình. Cảnh vật đã khác xưa nhiều, cả con người cũng khác, riêng chỉ có "cây đa bến cũ" là vẫn còn đó, xù xì thân hình nhưng xanh tươi búp lá. Trong tình yêu đôi lứa điều này càng có ý nghĩa:
 
-Trăm năm dầu lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò khác đưa;
- Cây đa cũ, bến đò xưa
Bộ hành có nghĩa nắng mưa cũng chờ;
- Cây đa là cây đa bến cũ, bến cũ là bến đò xưa
Ôi thôi rồi người khác sang đưa
Thiếp nhìn chàng lưng léo, nước mắt sa xuống như mưa hỡi chàng.
 
"Cây đa bến cũ" đã trở thành một mô-típ quen thuộc trong khá nhiều lời ca dao.Tất cả những lời ấy đều có chung một âm hưởng man mác buồn khi nhìn lại cảnh xưa, khi bắt gặp cây đa già vẫn trầm mặc nơi chốn cũ như một biểu tượng của thời gian.
 
Nói đến làng quê Việt Nam là nói đến cây đa. Hầu như làng quê truyền thống ở Bắc Bộ nào cũng có những cây đa cổ thụ thường ở đầu làng, cuối làng, giữa làng và ở bên cạnh các di tích. Đến vùng đất mới Nam Bộ, hình tượng già cỗi, thâm u của bóng đa hay sự khép kín tự nhiên của những lũy tre làng đã nhường chỗ cho không gian thoáng đạt, rộng mở với những cây bần, cây đước... của làng Nam Bộ. Mặc dù vậy hình ảnh cây đa làng nơi cố hương vẫn luôn in dấu trong tâm hồn mỗi con người đất phương nam.
 
Có thể nói cây đa là biểu tượng của làng quê Bắc Bộ. Cuộc sống sinh hoạt của làng diễn ra sôi động xung quanh gốc đa. Cũng ở bài Cây đa già Nguyễn Trãi viết:
 
Tuy đa chưa có tài lương đống
Bóng cả như còn rợp đến dân.
Ở lời thơ này Nguyễn Trãi nói tới bóng rợp của cây đa che cho dân chúng nghỉ mát sau giờ lao động song cũng còn một ẩn ý khác nữa là: một cây đa bình dị nơi làng quê lại gắn bó, che chở được cho dân trong khi đó nhiều vị quan, tướng có "tài lương đống" lại chẳng quan tâm gì đến dân.
 
Với người dân quê truyền thống, gốc đa là nơi bình đẳng nhất, không có sự phân biệt ngôi thứ. Thi sĩ dân gian đã viết:
 
Không tiền ngồi gốc cây đa
Có tiền thì hãy lân la vào hàng.
Gốc đa là nơi trẻ nhỏ nô đùa, thỏa thích nhặt búp, hái lá, chơi những trò chơi dân gian. Gốc đa cũng là nơi dân làng ngồi nghỉ chân trước khi về làng hoặc đi khỏi làng. Gốc đa là nơi "trâu trong làng gặm cỏ gốc đa xanh", gốc đa còn là nơi hẹn hò của trai gái:
 
- Em đang dệt vải quay tơ
Bỗng đâu có khách đưa thơ tới nhà
Hẹn giờ ra gốc cây đa
- Phượng hoàng chả thấy, thấy gà buồn sao
Nào khi ngồi cội cây đa
Người thương có nhớ chăng là người thương.
Làng quê là đề tài bất tận cho ca dao cũng như rất nhiều loại hình văn học nghệ thuật khác. Trong không gian làng quê trìu mến ấy cây đa là hình tượng gợi cảm hứng sâu sắc. Những "bức tranh quê" trong ca dao thường có cây đa:
 
- Đầu làng có cây đa xanh
Trăng thanh gió mát lọt vào tận nơi;
- Cát Chính có cây đa xanh
Có đường cái lớn chạy quanh xóm làng.
Cây đa gắn bó với người dân quê từ thuở bé và trở thành biểu tượng in dấu suốt cuộc đời, nhất là đối với những người xa quê. Mỗi người lại có cho mình những kỷ niệm, những câu chuyện riêng về cây đa làng.
 
Không chỉ có vậy, cây đa làng Việt còn là biểu tượng tâm linh của con người. Trong làng, cây đa có mặt ở nhiều vị trí khác nhau nhưng hầu như nó không vắng bóng ở các di tích, đặc biệt là đình chùa. Hình ảnh "cây đa, bến nước, sân đình" cũng là mô-típ thường thấy trong văn học Việt Nam, đặc biệt là ca dao. Tục ngữ có câu:
 
Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề;
Cây thị có ma, cây đa có thần.
 
Cây đa được gọi là cây thiêng nơi thần trú ngụ. Điều này có nguồn gốc từ tín ngưỡng bản địa Việt Nam: tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh và tín ngưỡng thờ cây. Trong truyện kể dân gian các làng quê có nhiều câu chuyện về những linh hồn trú ngụ nơi gốc đa làng làm tăng tính huyền bí và linh thiêng của di tích. Hình ảnh "lá đa rụng xuống sân đình" xuất hiện không ít trong ca dao:
 
Lá đa rụng xuống sân đình
Không ai tưởng bạn thì mình tưởng cho.
 
Cây đa xanh tốt tỏa bóng làm cho các di tích trở nên thiêng hơn, con người khi bước đến di tích cũng cảm thấy được thư thái hòa đồng hơn với thiên nhiên, tĩnh tâm bước vào chốn thiêng. Cây đa ở các làng quê Bắc Bộ thường đứng sừng sững trước cửa hoặc trong khuôn viên di tích. Thực ra cây đa vốn không phải là cây thiêng ở chùa. Cây thiêng nhất ở chùa phải là cây bồ đề, sau đó là cây gạo, cây sung, cây tre... Nhưng ở Việt Nam do điều kiện khí hậu và cây giống khó khăn nên chỉ chùa lớn mới có bồ đề, còn những chùa nhỏ thì thường vẫn khiêm tốn bên gốc đa già cỗi. Cây đa được coi là nơi ngự trị của các thần linh dân dã, và các linh hồn bơ vơ. Cây đa nào càng già cỗi, càng xù xì, rậm rạp thì càng gắn bó với thần linh. Gốc đa ở các di tích thường được dân chúng thắp hương chung để tỏ lòng tôn kính các vị thần linh dân dã hoặc cầu cho những linh hồn bơ vơ về nương nhờ lộc Phật không đi lang thang quấy nhiễu dân làng. Với ca dao, cây đa trong vai trò là cây thiêng, là biểu tượng của thần linh đã được thể hiện hoàn toàn khác:
 
Ở cho phải phải phân phân
Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa.
 
Biểu tượng "thần cây đa" được phân tích trong mối quan hệ hữu cơ giữa thần và cây để đưa đến bài học giáo dục cho con người: phải cư xử đúng mực, vừa phải, mức độ, sống hòa hợp với cộng đồng bởi cuộc sống luôn có sự nhờ cậy lẫn nhau như cây đa khi có thần ngự, tức là được linh thiêng hóa thì nó mới thành cây thiêng. Ngược lại thần cũng cần có cây đa để nương nhờ bóng Phật, hưởng lộc các chúng sinh. Trong trường hợp khác biểu tượng "thần gốc đa" cũng lại được đưa ra như là bài học giáo dục con người một cách nhẹ nhàng:
 
Chanh chua anh để giặt quần
Người chua anh để làm thần gốc đa.
 
Lời "cảnh báo" của chàng trai với những cô gái chanh chua cũng thật là sâu cay: người chua ngoa sẽ chỉ trở thành những linh hồn bơ vơ, không nhà cửa, trú ngụ nơi gốc đa mà thôi.
 
Như vậy cây đa luôn là biểu tượng đẹp với hầu hết các ý nghĩa chuẩn mực của biểu tượng: vừa hiện hữu, vừa tiềm ẩn, huyền bí vừa mang hơi thở cuộc sống, vừa mang đậm yếu tố tâm linh. Phải chăng chính sự kết hợp này đã tạo nên biểu tượng cây đa có sức sống bền lâu trong văn học dân gian, văn thơ bác học và trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam.
 
P/s Một cái nhìn tổng quát hay cá nhân về cây đa cũng phần nào lột ta được sự khác biệt và ấn tượng về loại cây này. Với những bài thuyết minh về cây đa Việt Nam sẽ giúp bạn được ít nhiều hiểu thêm về văn hóa, cuộc sống và những góc gì nhìn nhau về cây đa. Ngoài ra với những bài văn trên bạn sẽ giúp bạn tự tìm được cho mình một bài viết về cây đa hay cho mình.
Nguồn: