Thuyết minh về cây hoa gạo (Hoa Mộc Miên)

Chủ nhật , 14/09/2014, 03:57 GMT+7
     
Tổng hợp những bài văn thuyết minh về cây hoa gạo (Hoa Mộc Miên) được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau trên mạng với nội dung và phong cách làm bài viết về chủ đề này rất hay, gần gũi, thân thiện và mộc mạc với người dân Việt Nam.

Thuyết minh về cây hoa gạo (Hoa Mộc Miên)

Thuyết minh về cây hoa gạo hay bài mẫu 1:

Một năm có bốn mùa. Mỗi mùa có ba tháng. Mỗi tháng lại có một mùa hoa để người ta thương, người ta nhớ. Với tôi, tháng ba là mùa hoa gạo. Cho dù có nhạc sĩ tên tuổi gọi hoa bằng cái tên rất đẹp – hoa Mộc miên – thì tôi vẫn chỉ thích được gọi loài hoa dân dã có mầu đỏ rực như lửa cháy khôn nguôi, với những cánh hoa dầy dặn, gợi cảm như đôi môi người đàn bà đang yêu, cũng bằng một cái tên giản dị, quê mùa đầy chất “ẩm thực”- hoa gạo.

Hay bởi tuổi thơ, nhà tôi ở gác hai của một căn nhà nằm trên con phố cổ nhìn ra đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc và hồ Gươm. Trước cửa dẫn vào đền có những cây gạo lớn. Tôi biết đến bông gạo lần đầu tiên, ấy là khi một chiều, trời mùa hè đang hầm hập chợt nổi giông gió. Những bông gạo trắng trước cửa đền bỗng bay rợp, khiến cho bầu trời chỉ mù mịt những đám bông nhẹ và trắng tinh như vô hình.

Mẹ chỉ cho tôi: “Bông gạo đấy con ạ. Bông của nó tốt lắm, làm gối rất êm mà lại mát, thấm mồ hôi!” Tôi kinh ngạc. Làm sao mà loại hoa đỏ thẫm, mập mạp, dân dã nhường kia lại dâng hiến cho đời thứ bông thanh khiết nhẹ nhàng nhường kia. Hoa vắt kiệt sức mình, hay đấy là “tâm hồn” hoa đã được thanh lọc, để chỉ mang đến cho đời những giấc mơ bình yên và dịu êm?

Từ đấy, mỗi lần đi học qua cửa đền, thấy những bông hoa gạo đỏ rụng bời bời trên vỉa hè bị ai đó vô tâm, vô tình dẫm nát, tôi thấy xót lắm. Từ đấy, bông gạo trắng tinh như có sức mê hoặc, dẫn dụ tôi. Vào mùa hè đang chang chang nắng, trời bỗng sầm sầm rồi nổi giông.

Từ ban công của căn nhà nhìn ra phía đền, chỉ cần thấy một vài bông gạo bắt đầu bung nở, bay nhè nhẹ trên không trung, là tôi lén mẹ chạy ra đền Ngọc Sơn, đuổi theo nhặt những bông gạo trắng xốp như len, giữa có một cái hạt nhỏ và đen như hạt đỗ đen, lăn tròn trên mặt đất như có chân. Rồi chạy thật nhanh về nhà trước bữa cơm chiều dọn ra. Mẹ tôi dữ đòn vô cùng. Tôi nhớ, gia cảnh dạo đó sa sút lắm, nhưng mẹ vẫn giữ phép nghiêm của những gia đình trung lưu nền nếp.

Cả nhà tôi quây quần quanh mâm cơm trong cơn mưa sầm sập và không khí oi nồng. Bữa cơm thời bao cấp chỉ rặt một loại gạo tồn kho, hạt gạo rời rạc, có khi thoảng mùi mốc. Thức ăn nhiều khi chỉ có bát canh mồng tơi rau đay nấu suông, chút tép rang, lạc rang hoặc vài bìa đậu rán, cùng đĩa cà muối sổi chấm với nước mắm dầm ớt rõ cay. Hôm nào tươi lắm mới có thịt rim mặn hoặc cá rán.

Vậy mà chúng tôi ăn rất ngon miệng. Vậy mà đứa trẻ là tôi vẫn có một cảm giác hạnh phúc ấm áp khó tả, dù mẹ có khi cứ ca cẩm vì mua phải loại gạo mốc “chẳng có chút nhựa nào”. Rồi như vô tình, mẹ kể cho chúng tôi nghe bữa cơm của thợ gặt ngày mùa ra sao. Ấy là mẹ kể lại theo lời của bà ngoại, tức cụ ngoại tôi, chứ mẹ cũng là dân thành phố, sống ở thành phố từ nhỏ có ở quê ngày nào đâu.

Mẹ kể hấp dẫn lắm. “Bát cơm của thợ gặt ấy à. Cơm gạo mới thơm phức, cứ vun gọi là đầy có ngọn, như cái đấu ấy. Thức ăn chỉ có tép rang, dưa muối. Thợ ăn một loáng là sạch trơn!”. Chúng tôi mắt tròn mắt dẹt nghe, lạ lẫm như chuyện ngày xửa ngày xưa…, dù chẳng hiểu “cái đấu” là cái gì. Rồi mâm cơm cũng sạch trơn tự lúc nào. Hay mẹ tôi muốn các con được ngon miệng hơn, quên đi cái thứ gạo rời rạc thường gọi là gạo “mậu dịch”?

Nhưng có những thứ của thời xưa ấy, giờ bỗng thành quý hiếm. Như cái gối bằng bông gạo chẳng hạn. Hằng đêm tôi vẫn gối đầu lên cái gối nho nhỏ nhồi bông gạo mẹ mua ở đâu không rõ. Chiếc gối êm ái, mát rượi, đôi chỗ vẫn lợn cợn những hạt bông ở giữa, nhỏ như hạt đỗ đen. Hằng đêm, tôi gối đầu lên chiếc gối, gối đầu lên tình thương của mẹ, mê mải đọc câu truyện cổ tích có ba mẹ con “con Gạo” và “thằng Nhà” chạy trốn bọn phìa tạo trong rừng sâu.

Còn nhỏ, tôi đã hiểu sự gửi gắm khát khao có gạo ăn, có nhà ở của con người, của nhà văn. Nhưng giờ lớn lên, sao không còn thấy hoa gạo cháy đỏ trời nữa? Nhà cũ của cha mẹ tôi cũng không còn ai ở. Không biết mỗi khi trời giông gió, bông gạo có còn bay trắng xóa cả mắt người nữa không

Nghe tôi kể về tuổi thơ, anh mỉm cười nhìn tôi như đứa em gái nhỏ: “Anh sẽ đưa em đi tìm hoa gạo”. Tôi nhớ, dạo đó là tháng ba, tháng của mùa hoa gạo, mùa trảy hội chùa Hương. Ôi chao, dọc con đường từ suối Yến vào, miên man là hàng cây gạo. Hoa gạo nở đỏ trời.

Những bông hoa như những ngọn nến lớn lập lòe trên cây. Hoa soi cho con người trên đoạn hành trình gập gềnh đến với cửa Phật, với Mẫu Thượng ngàn, trên con đường hướng con người tới cái thiện. Hay hoa soi cho con người nhìn lại chính tâm hồn mình, rọi cả vào những góc u uẩn nhất, nơi những muộn phiền, thất vọng, những buồn đau xưa cũ đang dần quên?

Từ đó, mỗi năm, vào dịp tháng ba hoa gạo nở, anh lại đưa tôi đi tìm, những chuyến đi vô định. Dọc đường gặp biết bao loài hoa. Hoa hồng đỏ thẫm, hoa cúc tím ngát, hoa ly thơm nức. Có cả những cánh đồng hoa cải bên sông vàng rực, những vạt hoa dại trắng li ti, li ti… Nhưng tôi vẫn mải miết đi tìm những bông hoa của ký ức.

Sự ám ảnh và si mê hoa gạo của tôi cũng trở thành nỗi ám ảnh trong anh: “Anh và em thi nhau xem ai phát hiện được hoa gạo trước nhé”. Có những chuyến đi, bất ngờ cây hoa gạo hiện ra trước mắt như tiền định. Có cây thân gốc mốc thếch, sù sì như một người đàn bà từng trải, bản lĩnh và vững chãi. Có cây lại mảnh mai như một thiếu nữ mộng mơ, đang thuở dậy thì. Nhưng dù là đàn bà hay trinh nữ, dù từng trải hay thơ ngây, những cánh hoa gạo đều dầy dặn, đầy sinh khí, cháy đỏ, mãnh liệt một tình yêu với trời đất, với sông núi cỏ cây. Hay với chính nhân gian?

Lại có những chuyến đi mỏi mắt mà chẳng gặp, dù chỉ một cánh hoa. Nhưng bù lại, mới thấy non sông mình như lụa là gấm vóc. Mới thấy được bao thân phận khổ đau mà mỗi người trong số họ như những trang sách hay và bí ẩn mà tôi phải đọc, để hiểu và chiêm nghiệm. Mới thấy thế gian là dâu bể nhưng sự sống và được sống trong đời vẫn là thú vị, thiêng liêng để mỗi ngày qua là một ngày trân quý.

Mới hay khi cái tình trai gái, cái tình của người nam người nữ được xẻ chia với núi sông, với cuộc đời rộng lớn, thì tri kỷ như rễ cây hoa gạo bám chặt vào đất mẹ.

Cảm ơn hoa gạo, cảm ơn loài hoa dân dã, dung dị với những nắm bông nhỏ trắng tinh nhẹ như hơi thở, lại mang đến cho tôi nhiều đến thế, giàu có đến thế và nặng nợ đến thế. Cả con tim biết đập rộn ràng vì tình yêu, vì nghĩa đời rộng lớn. Cả tầm nghĩ và mắt nhìn xa hơn.

Năm tháng cứ rộng dài theo đời người. Cái khao khát có gạo, có nhà trong câu chuyện ngày xửa ngày xưa… con bé tôi từng mải mê đọc, giờ đã thành hiện thực. Đâu đâu cũng có thể bắt gặp những ngôi biệt thự, những chung cư hiện đại. Tôi cũng đã có một ngôi nhà riêng rộng rãi, đẹp hơn nhiều căn nhà nhỏ của mẹ cha nơi phố cổ. Bữa cơm hàng ngày chỉ một loại gạo dẻo thơm, ngon ngọt mà cái tên gạo- Trân châu- hệt ngọc ngà của trời đất.

Vậy nhưng sao lòng người lại bất an? Sao giờ người ta lại ao ước “cổ tích”- bao giờ cho đến ngày xưa? Cái ngày thanh bình, không tệ nạn, không tham lam, hối lộ… Hoá ra, sự bình an của tâm hồn chỉ thật sự trọn vẹn trong sự bình yên nhân thế.

Và không hiểu sao mỗi khi tháng ba về, hay những đêm hè, ngả đầu lên chiếc gối bông mút êm ái, bên ngoài trời nổi giông gió, tôi bỗng trằn trọc nhớ căn gác nhỏ với ban công sơn xanh, nhìn ra đền Ngọc Sơn. Nơi có những cây gạo sừng sững trước cửa đền, như chứng nhân tuổi thơ tôi, với những chiều bông gạo bay trắng trời trắng đất.

Bỗng âm thầm da diết, những bữa cơm quây quần bên cha mẹ bên chị bên em, ăn bát cơm gạo “mậu dịch” chan canh mồng tơi rau đay nấu suông, có quả cà muối sổi chấm nước mắm dầm ớt rõ cay… Và cứ thế mà thao thức…

Hoa gạo ơi!

Thuyết minh về cây hoa gạo hay bài mẫu 2:

Xét về mặt to lớn, có thể cây hoa Gạo có thể lép vế hơn so với Bao báp, nhưng đối với nhiều loài cây, chúng cũng thuộc dạng khổng lồ. Mặc dù sống cách nhau hàng chục ngàn km nhưng hai loại cây này lại cùng họ Gạo.
 
Dường như chưa có nghiên cứu nào về độ tuổi của các cây hoa Gạo khổng lồ ở Việt Nam nhưng đến nơi đâu có loài cây này, hỏi thăm các cụ cao tuổi, ai cũng bảo chúng có từ thời cụ kỵ. Nhiều gốc cây lớn tới mức 4-5 người ôm mới xuể.
 
Thường xuất hiện ở những vùng quê, cây hoa Gạo luôn nổi bật bởi cái vẻ ngoài to lớn, cổ thụ của mình. Cứ vào khoảng cuối tháng 2, lá rụng sạch khiến nó càng trở nên ấn tượng hơn bởi những cành tua tủa vươn ra. Chỉ sau khoảng vài tuần, từ những cái cành khô khốc đó bỗng dưng nhú nụ to cỡ cái chén và nhanh chóng nhuộm đỏ cả một góc trời.
 
Cây hoa Gạo thường được trồng ở đầu làng. Có người nói trồng ở đó để ma chỉ đến được đó, không vào làng vì cây hoa Gạo giữ ma. Cũng có thể vì lý do đó mà chẳng ai trồng cây hoa Gạo trong khuôn viên nhà cả.
 
Nhưng cũng có nơi, cây hoa Gạo được coi như một cái mốc xác định địa giới. Cứ nhìn thấy bóng cây gạo, người ta biết đó là đầu làng. Hay dọc theo bờ sông, gốc gạo đánh dấu bến thuyền, chợ ven sông, quán nước, chỗ nghỉ chân của người làm đồng...
 
Người xưa thường lấy mốc thời gian hoa gạo nở để xem thời tiết, đánh dấu ngày chuyển mùa. Cứ thấy hoa gạo nở, người ta biết những đợt rét cuối cùng sắp hết, mùa nóng đang đến. Vậy nên mới có câu: “Bao giờ cho đến tháng ba. Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn...”.
 
Ở một số nơi, hoa gạo còn được gọi là hoa Mộc miên, Hồng miên, Pơ lang hay Cổ bối. Cách gọi đó không phổ biến và thường chỉ được 1 vài vùng, 1 vài dân tộc gọi như vậy.
 
Một trong những nơi mà cây hoa Gạo được nhắc đến nhiều nhất là Tây Nguyên. Với cái tên Pơ Lang, loài cây và hoa này đi vào thơ ca của bà con dân tộc. Người ta thường ví cây Kơ-nia là biểu trưng sức mạnh vạm vỡ của các chàng trai Tây Nguyên thì Pơ-lang chính là biểu tượng cho những cô gái yêu kiều

 

Cũng giống như Bao báp, cây hoa Gạo cũng được coi là một loài cây có dược tính cao. Theo sách “Cây cỏ Việt Nam” thì từ hoa đến vỏ cây, rễ và vỏ rễ đều có thể dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần, có đặc tính thanh nhiệt, giải độc, cầm máu… chữa được các bệnh tiêu chảy, kiết lỵ, băng huyết, viêm loét v.v… Sách sử Trung Quốc còn ghi: Tương truyền vào thế kỷ thứ 2 trước công nguyên, vua Nam Việt là Triệu Đà đã dâng tặng vua nhà Hán một cây hoa gạo quý làm vật triều cống!

Thuyết minh về cây hoa gạo hay bài mẫu 3:

Cây gạo sân đình, cây gạo bến sông trong tâm thức văn hóa người Việt như "cọc tiêu" đánh dấu mỗi ngôi làng. Hoa gạo - loài hoa nở vào tháng ba, đặt một dấu chấm hết cho mùa xuân với màu đỏ chói chang "cháy" hết mình đã thắp sáng bao trang thơ. Cây gạo, hoa gạo trở thành một biểu tượng cho quê hương vững bền, điểm tựa tinh thần của con người trong cuộc sống. Khai thác vẻ đẹp hoa gạo, bài thơ của Nguyễn Khắc Hào tập trung khai mở nhiều tầng nghĩa mới từ quan sát, suy ngẫm, liên tưởng của riêng anh.

Gặp tháng ba mùa hoa gạo nở
Thức một khoảng trời vạt sông quê
Kìa mắt ai ngước nhìn mơ mộng quá
Ta như quen như lạ lẫm lối về. 

Không nuôi sống ai mà thành hoa gạo
Vô tư như chẳng biết có ai nhìn,
Khát vọng gì gửi trong màu hoa ấy
Cuối xuân rồi hoa gọi nắng hè lên. 

Ơi hoa gạo vẽ lên trời sắc đỏ
Thảm cỏ xanh, giàn đuốc, tháng ba xanh
Đường quê mưa mẹ ngang vai gánh mạ

Tay lượm bông hoa gạo cho mình. 

Ơi hoa gạo đẹp kiêu kỳ đến vậy
Rụng xuống rồi vẫn thắm đỏ như son,
Có ai biết những ngày hoa gạo trút
Một khoảng trời trơ trụi nỗi cô đơn.

Cây gạo sân đình, cây gạo bến sông trong tâm thức văn hóa người Việt như "cọc tiêu" đánh dấu mỗi ngôi làng. Hoa gạo - loài hoa nở vào tháng ba, đặt một dấu chấm hết cho mùa xuân với màu đỏ chói chang "cháy" hết mình đã thắp sáng bao trang thơ. Cây gạo, hoa gạo trở thành một biểu tượng cho quê hương vững bền, điểm tựa tinh thần của con người trong cuộc sống.

Khai thác vẻ đẹp hoa gạo, bài thơ của Nguyễn Khắc Hào tập trung khai mở nhiều tầng nghĩa mới từ quan sát, suy ngẫm, liên tưởng của riêng anh.

Như tên gọi, bài thơ xây dựng hình tượng xuyên suốt: hoa gạo, trong một không gian xuyên suốt: một khoảng trời, mở đầu và kết thúc, đối chiếu, hô ứng. Trong tâm cảm nhà thơ, hoa gạo vừa là hình ảnh thiên nhiên vừa là ẩn dụ như mang hồn người, phận người.

Ơi hoa gạo vẽ lên trời sắc đỏ
Thảm cỏ xanh, giàn đuốc, tháng ba xanh.

 

Hai dòng thơ 16 chữ, cảnh và tình hòa quyện. Một bức tranh về làng quê lúc cuối xuân trong sáng như có chứa cả sức sống tràn về với hai màu xanh - đỏ tương phản, tôn rước nhau lên. Cảnh có tầng lớp: trên cao, dưới thấp, có diện (bầu trời, thảm cỏ), có điểm: giàn đuốc chói ngời của hoa gạo. Có hình ảnh tả thực: thảm cỏ xanh, nhân hóa: vẽ lên trời sắc đỏ, chuyển đổi cảm giác - không gian hóa thời gian: tháng ba xanh.

Thuyết minh về cây hoa gạo hay bài mẫu 4:

“Mỗi độ tháng ba về
Ai vãi lửa đam mê vào bầu trời cháy bỏng ?”
 
Những bông hoa Gạo đỏ rực, cháy bỏng những đam mê báo hiệu cho chúng ta biết đã bước vào tháng ba, tháng giao mùa giữa mùa xuân và mùa hạ. Ở đâu đó trên mọi miền đất nước vượt lên màu xanh của lũy tre làng là những cây gạo điểm những bông hoa đỏ thắm, rực rỡ cả một góc trời.
 
Hoa Gạo hay còn được gọi bằng một cái tên khác như hoa Mộc Miên nghe vừa lạ lại vừa quen. Cái màu hoa ấy xua tan đi cái lạnh lẽo của mùa đông, mang đến sự bình yên ấm áp của cái thời khắc giao mùa ấy. Sự sống của làng quê dường như thắm đượm lên thêm khi những bông  hoa Gạo đỏ rực nổi bật giữa xanh cao yên tĩnh của đất trời. Trên những con đường làng hoa Gạo rực rỡ như muốn níu lấy ánh mắt của những người nông dân còn đang bận bịu với công việc đống áng. Cái thứ hoa đang nhen nhói khắp các triền đê, thắp lên trong ta cả một vùng trời thương nhớ. Những chấm đỏ đốt trong sương mù báo hiệu nơi ấy có những dòng sông với những bến đò. Đối với bọn trẻ con chúng tôi ngày ấy, cây Gạo là cả một thế giới linh thiêng, bí ẩn qua những câu chuyện truyền thuyết từ xa xưa về những con ma thần bí quanh quẩn bên gốc gạo già.
 
Nhớ hồi còn nhỏ, hoa Gạo rụng đỏ cả một gốc cây, chúng tôi thi nhau nhặt rồi xâu chúng lại quàng lên cổ mà thi nhau cười hả hê, thích thú với cái vòng của mình. Rồi những bông hoa Gạo trông như những chiếc đèn hoa đăng rung rinh trong gió. Tôi thích nhất là được ngắm nhìn những bông hoa Gạo rơi từ trên cao xuống, gió thổi nhè nhẹ làm cho những chiếc đèn hoa đăng ấy xoay xoay rồi hạ xuống mặt đất mà không hề bị giập nát. Từng bông hoa đã vô tình rơi vào kí ức tôi và chúng vẫn mãi nằm im ở đó.

 

Lớn lên chút nữa, mỗi mùa hoa Gạo về khi cái tết vừa mới qua đi lại báo hiệu cho lũ học trò chúng tôi biết mùa thi sắp tới. Có hôm ngẫu hứng mấy đứa rủ nhau ra gốc cây gạo ngồi ôn bài. Cây Gạo già cỗi che trở như ôm trọn chúng tôi vào lòng. Đến khi trưởng thành xa quê hương lên thành phố học, nơi chốn phồn hoa đô thị, tôi không tìm thấy được cái loài hoa ấy nữa. Nhưng cây gạo hồi đó, những bông hoa đăng đỏ rực hồi đó vẫn ở sâu thẳm tận trong lòng tôi, nơi những kí ức trở thành những gì thiêng liêng nhất, cao cả nhất.

Thuyết minh về cây hoa gạo hay bài mẫu 5:

Làng tôi ở bao năm trời tình làng nghĩa xóm gắn kết, thương yêu nhau qua từng đụn rơm nghèo, bờ ruộng chênh vênh và ngọn rau rừng đắng. Tôi đi xa từng ấy năm vẫn nhớ cái ranh giới làng quê không phải là “cây đa, bến nước sân đình” hay lũy tre xanh bao bọc, mà ngay cổng làng là cây gạo to sừng sững không biết có từ thuở nào vẫn giang những cánh tay chào đón.
 
Tháng ba này trên khoảng trời quê hương đã thắp lên một màu đỏ rực, như ngọn đèn trời chiếu sáng cho làng quê thanh bình và như soi đường cho những đứa con xa quê đừng quên lối.
 
Tôi nhớ ngày bé thơ còn đi chân đất đến trường, mỗi khi tháng ba về cả lũ  bạn đứa nào cũng chỉ đợi trống tan trường rồi ùa nhau chạy về thật sớm. Chỉ để làm sao về đến đầu làng thật nhanh, đứa nào cũng hứng cái mũ lan rộng vành chờ hoa gạo rụng. Nhưng vào những ngày bão lớn, cây gạo đứng một mình giữa khoảng trống trơ bị gió quật rụng xuống rất nhiều hoa gạo đỏ, như thể gió trời đã dập tắt từng ngọn đèn nhỏ trên những bàn tay cây gạo. Lũ nhỏ chúng tôi, chẳng ai bảo ai nhưng đều buồn vời vợi, nỗi buồn hiếm hoi của tuổi cắp sách đến trường. Những bông gạo rụng chúng tôi nhặt về bằng hết, đứa thì đặt trên cửa sổ có những viên gạch vỡ nham nhở, đứa thì thả vào một cái chậu nước rồi để trong nhà, cũng có đứa ương bướng cố ép vào trang vở. Dù biết rằng hoa gạo mọng nước không dễ gì ép như hoa phượng hay bằng lăng tím, bởi hoa gạo không cam lòng để màu đỏ tươi của mình chuyển thành sắc tím đen trong trang vở trắng. Hoa gạo chỉ thích thắp đỏ giữa khoảng trời làng quê yên bình vào đúng độ tháng ba.
 
Sau này tôi đi xa, mỗi lần nhớ về làng quê tôi lại nhớ đến những kỉ niệm một thời sâu hoa gạo đỏ đội lên đầu tự nhận làm cô dâu, rồi thể nào thằng bạn cũng tít mắt cười nhận “ để tao làm chú rể”. Lũ bạn ê ồ suốt cả buổi chiều, cho đến khi bóng tối đã dần bao trùm ngõ xóm mới lũ lượt kéo nhau về, có đứa vẫn còn dặn với theo: “Ngày mai đến lượt tao làm cô dâu nhé!”. Bây giờ nghĩ lại vẫn còn thương những kỉ niệm hồn nhiên ấy, dù những đứa bạn năm xưa đã con bồng, con bế, chú rể của riêng mình ngày nào giờ cũng đã đi đón cô dâu. Tôi trở về đi ăn cưới bạn vào đúng độ hoa gạo nở rộ nên bảo với đứa bạn rằng:
 
- Đúng tháng ba năm sau mình sẽ lấy chồng.
 
Con bạn bông đùa:
 
- Chờ hoa gạo chắc?
 
Tôi cười. 
 
Tháng ba này vẫn ngồi giữa thành phố xa xôi, trời đang nóng bỗng chuyển gió mùa, lòng lại xót xa thương hoa gạo rụng. Không biết trẻ con bây giờ có còn hứng hoa như ngày xưa không, hay để cánh hoa tả tơi rơi trên nền cỏ để ngày mai có thể cái nắng gắt, oi nồng lại trở về thiêu những cánh hoa rơi. Lâu lắm rồi không về thăm quê, đang bảo lòng có khi tháng ba này lại xách ba lô về nhặt hoa gạo đỏ…

 

Nguồn: