U23 Việt Nam thất bại: SEA Games đâu chỉ có bóng đá!

Thứ ba , 24/12/2013, 04:21 GMT+7
     
Có một cảnh tượng nên được lấy làm biểu tượng tiêu biểu cho sự phát triển lệch lạc của thể thao Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Ít phút trước trận đấu của U23 Việt Nam vàc U23 Malaysia, hai đội tuyển xếp hàng trước báo chí để chụp hình. Bên phía U23 Việt Nam, có khoảng 25 tới 30 phóng viên ảnh và hình tới từ mọi đơn vị báo chí khác nhau trong bên phía U23 Malaysia, chỉ có đúng 2 phóng viên ảnh.

Chuyện này phản ảnh điều gì? Nền thể thao của chúng ta đang dành quá nhiều sự quan tâm cho một môn thể thao: bóng đá (cụ thể là bóng đá nam). 
 

Nhưng SEA Games nói riêng và cả nền thể thao nói chung đâu chỉ có bóng đá, dù đó là môn thể thao “vua.” Trên lộ trình phát triển thể thao đỉnh cao, bóng đá chỉ là một cột mốc. Và đó không phải cột mốc quan trọng nhất.

1. U23 Việt Nam chắc chắn là đội tuyển nhận được sự quan tâm lớn nhất của các cấp lãnh đạo thế thao Việt Nam. Ông Hoàng Văn Phúc và các học trò được tập trung trước giải hơn 3 tháng (từ ngày 5/9), du đấu từ châu Á tới châu Âu, tham gia hơn 20 trận giao hữu và đá tập với đủ mọi loại đối thủ ở các những giải đấu khốc liệt cũng như những trận giao hữu vô bổ.

Đội bóng ấy được đầu tư cực kỳ mạnh tay, nhận sự ưu ái rất lớn từ Tổng cục Thể dục thể thao. Tại SEA Games 27, U23 Việt Nam được ưu tiên đi chuyến đầu tiên. Đội tuyển được ở khu đẹp nhất của khách sạn 3 sao Golden Guest (trong khi vận động viên các môn khác phải ở làng thể thao), được trang bị tận răng, chăm sóc tới từng bữa ăn, giấc ngủ. 

Kết quả là sao? Đội tuyển ấy mới bại trận trước U23 Malaysia và bị loại sau vòng bảng SEA Games 27. Những kỳ vọng cực lớn được trả lại bằng một kết quả quá khiêm tốn. Đội tuyển được đầu tư mạnh nhất đã mang về kết quả tệ nhất. 
 

2. Chúng ta đã luôn thật vô lý khi dành quá nhiều sự quan tâm cho bóng đá trong khi SEA Games vẫn còn nhiều nội dung khác.

Lộ trình phát triển thể thao và vươn tầm thế giới không chỉ có bóng đá. Không phải tình cờ khi những cường quốc về thể thao đều có thế mạnh ở các môn điền kinh, bơi lội, bắn súng, bóng bàn, xe đạp, võ thuật... 

Đó mới là những môn thi đấu có tên trong hệ thống Olympic, được thế thao thế giới thừa nhận và là thước đo đánh giá sức mạnh của một nền thể thao.

Nhưng cũng chính các môn thể thao ấy đang không nhận được sự quan tâm đủ lớn từ nhiều cấp lãnh đạo và dư luận. Những trường hợp như Nguyễn Thị Ánh Viên chỉ là ngoại lệ hiếm hoi.

Phía sau bóng đá (cụ thể là bóng đá nam), rất nhiều môn thể thao khác đang không được đầu tư đúng mức. Nhưng chính những vận động viên ấy lại đang mang về thành công và niềm vui cho người hâm mộ.

Đội tuyển bóng đá nữ xuất sắc giành quyền vào chơi trận chung kết sau thắng lợi 4-0 trước Malaysia. Phạm Thị Bình chinh phục huy chương vàng marathon bằng đôi chân đất (một nội dung quan trọng của Olympic), Vũ Thị Hương đoạt 2 HCV cự li chạy danh giá nhất của một kỳ đại hội thể thao, và còn rất nhiều tấm huy chương quý giá nữa được đánh đổi bằng máu và nước mắt.

Đó là chưa kể nhiều vận động viên bị "cướp" mất huy chương vàng một cách oan ức, mà có thể nếu có tấm huy chương ấy, họ sẽ có chút tiền sửa lại mái nhà cho cha mẹ khi Tết Nguyên đán sắp đến gần...

3. Đương nhiên, thật khó để bắt người hâm mộ quay lưng với bóng đá - môn thể thao được hâm mộ nhất Việt Nam. Thành công trong bóng đá là ánh hào quang đủ sức che lấp mọi thứ. Nhưng đấy không thể là lý do của những người hoạch định chiến lược thể thao.

Họ không thể chạy theo thứ thị hiếu thông thường của dư luận. Họ phải đứng trên nó. Đã đến lúc điền kinh, bơi lội cần được đầu tư nhiều và đúng mức hơn. Nói như nhà báo, chuyên gia Vũ Công Lập: “Chúng ta phải coi SEA Games như là một đấu trường của Olympic và không được xem bóng đá là trọng tâm nữa.”

Chừng nào những môn thể thao Olympic được đầu tư đúng mức, chừng ấy thể thao Việt Nam mới đủ sức chinh phục các đỉnh cao của thế giới.

Nguồn: