10 lần chỉnh giá xăng không bằng hai lần tăng giá điện

Thứ ba , 24/12/2013, 01:34 GMT+7
     
Trong khi với 6 đợt điều chỉnh giá xăng dầu tác động tới CPI 0,08% thì hai lần tăng giá điện trong năm 2013 đã tác động tới CPI 0,25%.
Thông tin này được ông Nguyễn Đức Thắng – Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết tại cuộc họp tổng kết ngành thống kê sáng 23/12.

Báo cáo số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2013 của Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 12, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 6,04% so với cùng kỳ tháng 12/2012. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2013 tăng 6,6% so với bình quân năm 2012 và cũng đã thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,21% của năm 2012.

 

Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu vẫn được điều chỉnh theo kiểu "tăng nhiều, giảm ít"

Đánh giá về con số CPI, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng, lạm phát năm nay bị tác động chủ yếu do yếu tố tăng giá một số mặt hàng như điện, xăng dầu… được điều chỉnh theo hướng thị trường.

Cụ thể, với tác động của việc tăng giá bán lẻ xăng dầu, ông Nguyễn Đức Thắng cho hay, trong năm 2013 giá xăng dầu được điều chỉnh tổng cộng 10 lần, 4 lần tăng và 6 lần giảm, vẫn theo điệp khúc “giảm ít, tăng nhiều”.

Cụ thể, năm 2013 giá xăng tăng 120 đồng/lít, giá dầu hỏa tăng 120 đồng/lít, giá dầu diesel tăng 340 đồng/lít. Giá xăng dầu tăng tổng cộng 2,18% trong năm 2013 và tác động khiến CPI cả nước tăng 0,08%.

Tuy nhiên, 10 lần điều chỉnh tăng – giảm giá xăng dầu tác động tới CPI chỉ bằng 1/3 lần so với hai  lần giá điện tăng trong năm 2013.

Tính toán của Vụ Thống kê giá cho thấy, hai đợt điều chỉnh giá điện hồi tháng 1 và tháng 8/2013 với mức tăng tổng cộng 10%, đã góp phần khiến CPI tăng khoảng 0,25%.

Ngoài giá điện, xăng dầu thì việc giá gas tăng “sốc” trong thời gian qua, nhất là đợt tăng giá vào 1/12 với mức tăng gần 80.000 đồng/bình 12kg cũng đóng góp vào CPI cả nước 0,08%.

“Dù các loại hàng hóa đồng loạt tăng và mức tăng tương đối mạnh từ 5-10% tùy từng mặt hàng nhưng lạm phát năm nay chỉ dừng lại ở con số 6,04%. Đây là mức lạm phát thấp trong 1 thập kỷ trở lại đây”- ông Thắng nói.

Tuy nhiên, theo dự báo của cơ quan thống kê, có thể lạm phát năm 2014 sẽ tăng trở lại và chịu tác động của một số yếu tố như: hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ sẽ làm tăng lượng tiền trong lưu thông, lộ trình tăng giá các mặt hàng dịch vụ công theo thị trường, tỷ lệ nới thâm hụt ngân sách lên 5,3% GDP cũng ảnh hưởng đến giá cả…

“Chúng ta không nên chủ quan với mức lạm phát thấp hiện tại. Năm tới phải rất lưu ý trong điều hành kinh tế vĩ mô để giữ lạm phát ổn định, có tăng trưởng hợp lý”- ông Thắng nói.

 
Nguồn: