Bún, phở bảy màu tự nhiên

Thứ ba , 24/12/2013, 02:18 GMT+7
     
Sợi bún, phở có 7 màu sắc khác nhau được nhuộm từ rau củ quả cho khách hàng chọn lựa gồm: gấc, mè đen, củ dền, bắp cải tím, bí ngô, rau cải xanh, gạo lứt.
Trong khi người tiêu dùng sợ hãi đủ thứ phẩm màu độc hại làm đẹp thức ăn bán khắp nơi, kỹ thuật tạo màu bằng rau củ cho thức ăn của Phở Hai Thiền giúp thực khách an tâm.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Viện Dinh dưỡng quốc gia, màu tự nhiên lấy từ thực phẩm có sẵn trong tự nhiên ngoài việc giúp các món ăn trở nên bắt mắt về mặt thẩm mỹ còn là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng có lợi trong cơ thể, có tác dụng chống ôxy hóa, kháng viêm, hỗ trợ ngăn ngừa ung thư đường tiêu hóa... Màu tự nhiên như màu xanh, màu tím, màu đỏ, màu vàng…đều có những thành phần tự nhiên có lợi cho sức khỏe. Ví dụ như màu tím có nhiều anthrocyanine, có tác dụng chống oxy hóa, chống xơ vữa động mạch, màu vàng của cucurmin từ nghệ có tác dụng chống ung thư…
Chị Nguyễn Thị Ngọc Nguyên và các sản phẩm của Phở Hai Thiền.

Phở Hai Thiền (nằm trên đường Bùi Viện, quận 1, TPHCM) được đặt theo tên thứ của chủ tiệm là ông Nguyễn Văn Thiền. Vốn có thâm niên hơn 30 trong nghề sản xuất bún phở từ La Gi (Bình Thuận) chuyển vào Sài Gòn. Chiến lược năm sau Phở Hai Thiền sẽ có mặt ở Mỹ, Canada, Úc. Úc thì nhượng quyền thương hiệu. Còn Mỹ và Canada thì khách hàng mua dây chuyền chế biến và chuyển giao công nghệ sản xuất bún phở.

Theo chị Nguyễn Thị Thanh Nguyên, con ông Hai Thiền, hiện đang quản lý quán cho biết 1 kg rau, củ, quả có thể nhuộm 2 kg bún, phở . Rau, củ, quả phải chọn loại tươi, mới, an toàn. Nguồn cung cấp thực phẩm được chị đặt mua ổn định tại chợ  đầu mối Hóc Môn, hoặc siêu thị.   

Gia đình chị Nguyên bắt đầu làm phở màu từ 7 năm nay. Lúc đầu 4 màu, sau đó tăng lên 7 màu. Kế hoạch sang năm sẽ chào hàng nhiều loại phở  mang tính chức năng như: phở ít tinh bột dành cho người bệnh tiểu đường, phở dành cho người béo.

Chị Nguyên cho biết nông sản càng tươi mới, thì sẽ cho màu sắc đẹp, bắt mắt, dinh dưỡng đảm bảo. 

Cái khó của phở rau, củ, quả là làm giảm độ dai của bún, phở.  Bí quyết tinh luyện bột gia truyền chính là đáp án của bài toàn này.

Cũng theo chị Nguyên, linh hồn của bún phở chính là bánh phở, thứ đến là nước dùng, thứ ba mới đến thịt và gia vị. Chính nhờ 30 kinh nghiệm làm bánh phở  mà chị Nguyên và gia đình tự tin với món phở độc đáo này.

Hiện nay mỗi ngày quán Hai Thiền bán khoảng 30kg bún phở. Ngoài ra, còn một lượng lớn  hơn được khách hàng mua bún phở về nhà ăn.

Giá bún phở có màu cao gấp 1,5 lần bánh phở thường. Mặc dù giá thành rau, củ, quả không quá cao vì được mua tại chợ đầu mối. Nhưng làm bún phở màu mất rất nhiều thời gian và công sức so với bún, phở trắng.

Ghi nhận tại quán phở Hai Thiền ngày thường vẫn có khá đông người nước ngoài và dân văn phòng tìm đến thưởng thức. Nhiều thực khách rất thích thú với các loại bún phở của quán Hai Thiền bởi màu sắc hấp dẫn và ngon, nhất là trẻ em. Những ngày cuối tuần, hay lễ lạt thực khách còn đông hơn.

Theo chị Nguyên, ăn bún phở  tô màu bằng rau, củ, quả  không chỉ thích mắt, mà còn có lợi cho sức khỏe. Cơ cấu dinh dưỡng đươc điều chỉnh một cách hợp lý. Chất sơ được đưa vào cơ thể một cách tự nhiên.  Hàm lượng tinh bột (gạo) và chất sơ (rau, củ, quả) được cân bằng  giúp cho bửa ăn nhiều dinh dưỡng và lành tính.

Hiện nay, ngoài kinh doanh trực tiếp, gia đình Hai Thiền còn bán bột làm phở và máy sản xuất bún phở. Cũng như các hàng bún phở khác, Hai Thiền khởi nghiệp nghề này hoàn toàn thủ công. Vào khoảng  20 năm trước,  bắt đầu chuyển qua sản xuất bằng máy mua trong nước sản xuất. Sau đó nhờ có người anh rể của chị Nguyên có học cơ khí đã tự làm dây chuyền sản xuất bún, phở. Nhiều khách hàng tham quan thấy thích các loại máy này bởi chất lượng, hiệu quả mà dể sử dụng nên đã đặt mua. Giá một dây chuyền công suất 25kg/h thành phẩm là 6.000 USD, còn loại công suất 200kg/h có giá khoảng 12.000 USD. 

Đến nay, Hai Thiền đã bán được khoảng 10 dây chuyền cho các khách hàng Việt kiều các nước Mỹ, Úc, Canada, Malaysia.

Nguồn: