Chính thức công bố CPI ở mức thấp nhất sau 10 năm

Thứ ba , 24/12/2013, 01:37 GMT+7
     
Ngày 23/12, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2013 có mức tăng 0,51% so với tháng 11 và tăng 6,04% so với tháng cùng kỳ năm 2012.

CPI tăng do điều chỉnh giá

Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2013 tăng 6,6% so với bình quân năm 2012, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,21% của năm 2012.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê cho biết, đây là năm có có chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong năm nay, CPI tăng cao vào quý I và quý III với mức tăng bình quân tháng là 0,8%. Các quý II và quý IV, CPI tương đối ổn định và tăng ở mức thấp với mức tăng bình quân tháng là 0,4%.

Theo ông Lâm, chỉ số giá tiêu dùng năm nay tăng do một số nguyên nhân chủ yếu, như giá một số mặt hàng và dịch vụ do Nhà nước quản lý được điều chỉnh theo kế hoạch và theo cơ chế thị trường.

Trong năm có 17 tỉnh, thành phố điều chỉnh giá dịch vụ y tế làm cho CPI của nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 18,97% so với tháng 12 năm trước và đóng góp vào chỉ số chung cả nước gần 1,1%.

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục thực hiện lộ trình tăng học phí làm làm CPI nhóm giáo dục tăng 11,71%, đóng góp vào chỉ số chung cả nước tăng khoảng gần 0,7%. Giá xăng dầu cũng được điều chỉnh cả năm tăng 2,18%, góp vào CPI chung cả nước mức tăng 0,08%, giá điện điều chỉnh tăng 10%, đóng góp vào CPI chung khoảng 0,25%, giá gas cả năm tăng gần 5%, đóng góp vào CPI cả nước với mức tăng 0,08%;

Thêm vào đó, nhu cầu hàng hóa tiêu dùng của dân cư và tiêu dùng cho sản xuất tăng vào dịp cuối năm, cộng với ảnh hưởng của thiên tai, mưa bão và mức cầu trong dân yếu.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 12/2013 giảm 3,33% so với tháng trước; giảm 24,36% so với cùng kỳ năm 2012. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2013 tăng 0,05% so với tháng trước; tăng 1,09% so với cùng kỳ năm 2012.

Điểm sáng sản xuất công nghiệp 
 

Một điểm sáng là sản xuất công nghiệp năm 2013 đã có dấu hiệu phục hồi, nhất là ngành công nghiệp chế biến chế tạo với tỷ trọng lớn trong toàn ngành công nghiệp đã có sự chuyển biến rõ nét qua các quý.

Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 12 ước tính tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2013, IIP ước tính tăng 5,9% so với năm trước năm 2012.

Trong mức tăng chung của toàn ngành năm nay, ngành chế biến, chế tạo đóng góp 5,3 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai thác làm giảm 0,1 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, trong các ngành công nghiệp cấp I, ngành khai khoáng (chiếm 21,3% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp) lại giảm 0,2% so với năm trước.

Về địa phương, chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm 2013 so với năm 2012 của Vĩnh Phúc tăng 14%; Đà Nẵng tăng 10,5%; Bình Dương tăng 8,7%; Hải Dương tăng 8,1%; Quảng Nam tăng 9,6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 6,3% và Hà Nội tăng 4,5%.

Bên cạnh đó, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 11 tháng năm nay tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/12/2013 toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,2% so với cùng thời điểm năm 2012 (cùng kỳ năm 2011 là 23%; năm 2012 là 20,1%).

‘Chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng dần dẫn đến tồn kho giảm dần. Mặc dù mức giảm chưa nhiều nhưng đây là tín hiệu tốt đối với sản xuất công nghiệp trong thời gian tới. 

Các giải pháp của Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, từng bước ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho hiệu quả. Cùng với đó, kinh tế thế giới và đặc biệt là khu vực châu Âu bắt đầu phục hồi đã tác động tích cực đến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam,” ông Lâm phân tích.
 

Cảnh giác cao với sự "rình rập" của lạm phát

Bên cạnh những điểm sáng, ông Lâm cũng chỉ ra, bức tranh kinh tế, xã hội vẫn còn những bất cập thách thức chúng ta tiếp tục phải đối mặt trong năm 2014. 
 

Lạm phát ở mức an toàn nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Cân đối ngân sách tiếp tục gặp khó khăn trong điều kiện tốc độ phục hồi của sản xuất kinh doanh trong nước còn chậm...

Để từng bước vượt qua những khó khăn, theo ông Lâm, Chính phủ cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tích cực và chú trọng giải quyết vấn đề nợ xấu để tạo điều kiện hạ thấp lãi suất một cách ổn định.

Phát triển thị trường trong nước và tiếp tục khai thác tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Ông Lâm cũng nhấn mạnh, việc điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản và dịch vụ công cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành liên quan và lộ trình hợp lý về thời điểm tăng giá, mức tăng giá… 

Xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng đẩy giá lên cao hoặc tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán.

Nguồn: