Côn trùng lạ tấn công bệnh viện

Thứ năm , 19/12/2013, 02:00 GMT+7
     
Trong những ngày qua, các bệnh nhân đang điều trị tại Bênh viện Đa khoa Long An (phường 3, TP.Tân An) và người nhà của họ đã khốn khổ vì bị một loại côn trùng lạ tấn công. Chỉ cần côn trùng bám vào người, chỗ da thịt ấy bị bỏng rát, gây ngứa ngái, phải mất nhiều ngày mới khỏi.

Lạ một điều là loại côn trùng này chỉ xuất hiện ở TP.Tân An, mà chỉ chung quanh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An.

Mang bệnh vì đi nuôi bệnh

Ông Nguyễn Văn Tạo, ngụ xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh (Long An) đưa cánh tay bị phồng rộp, xức thuốc xám xịt cho tôi xem và nói: “Nuôi má tôi bệnh ở lầu 4 Bệnh viện Đa khoa Long An có mấy ngày mà bị như vầy. Cái con gì nhỏ xíu nó bu vào làm mình ngứa ngáy, tui không biết nên đập nó rồi gãi mới ra nông nỗi này đây”. Không chỉ cánh tay, mí mắt dưới của ông cũng xức thuốc xám xịt vì côn trùng lạ bu vào.

Ông Tạo kể, cứ chiều chiều, có một loại côn trùng lạ có cánh, đuôi màu nâu đỏ bay đáp vào các phòng bệnh. Càng lên các tầng cao thì côn trùng này bay vào càng nhiều, phòng nào để đèn càng sáng thì chúng bu vô càng đông, giống như rầy nâu. Khi côn trùng này đậu vào da thịt người, tức thì chỗ ấy bị bỏng rộp, gây đau rát, ngứa ngáy. Người bị côn trùng tấn công càng gãi thì vết bỏng càng lan rộng. Nếu người bị côn trùng cắn mà lấy tay đập nó chết, chất nước vàng trong cơ thể côn trùng lan ra càng độc hơn, gây ngứa ngáy, lở loét càng nhiều.

Bà Nguyễn Thị Nga, ngụ xã Tân Lân, huyện Cần Đước, đang nuôi đứa con bị tai nạn giao thông tại khoa Ngoại tổng hợp, lầu 3 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An cho biết, năm rồi bà có nuôi bệnh ở đây cả tháng, cũng bị loại côn trùng lạ này tấn công nên bà đã có kinh nghiệm chống lại chúng. Lầu 3 nằm ở lưng chừng, côn trùng bay vào không nhiều, lại nhờ có kinh nghiệm, nên bà Nga không bị côn trùng cắn lở như nhiều người.

Theo bà Nga, cứ vào khoảng 4 – 5 giờ chiều là côn trùng bay vào phòng bệnh cho tới tối. Vì vậy đến giờ đó phải đóng hết các cửa sổ. Đến tối cũng không được mở đèn để tránh côn trùng bay đến. Đến khoảng 8 – 9 giờ tối là chúng bay đi hết, có thể mở cửa phòng, bật đèn lên bình thường.

Cũng theo bà Nga, một khi bị côn trùng bu vào gây ngứa ngáy, cách tốt nhất là nhẹ nhàng phủi hoặc thổi cho chúng bay đi, sau đó rửa sạch chỗ bị côn trùng đậu. Còn nếu đã lỡ bị côn trùng cắn hoặc dịch vàng của côn trùng gây lở loét, phương pháp chữa trị thông dụng là dùng thuốc sát trùng bôi lên vết bỏng và chịu đựng vài ba ngày là vết bỏng khô mài, rồi lành. Càng ít gãi thì vết bỏng càng mau lành.

Không lẽ bó tay

Bác sĩ Phan Lợi – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An – xác nhận, đang có hiện tượng côn trùng lạ làm phiền người bệnh và thân nhân của họ. Đây không phải lần đầu tiên bệnh viện bị côn trùng lạ tấn công. Bắt đầu từ cách đây khoảng 4 – 5 năm, hàng năm cứ đến tháng cao điểm mùa khô, loại côn trùng này lại xuất hiện và kéo dài cho đến khi có mưa thì biến mất.

Theo bác sĩ Lợi, đây là loại côn trùng có tên khoa học rất dài, ít được biết tới ở VN nên chưa có tên gọi. Khi côn trùng này đậu lên người, nó tiết ra chất dịch gây tổn thương da nơi ấy. Tổn thương này gây bỏng rát, ngứa ngáy, nhưng không nguy hiểm, chỉ cần sát trùng bình thường là tự khỏi sau vài ba bữa. Để hạn chế tác hại của loại côn trùng này, bệnh viện khuyến cáo người nuôi bệnh nên đóng cửa phòng bệnh lúc chiều tối.

Đồng thời lãnh đạo bệnh viện cũng hợp đồng với Trung tâm Y tế dự phòng đến xịt thuốc diệt côn trùng, nhưng chỉ có tác dụng được vài ba ngày, sau đó côn trùng từ bên ngoài lại xâm nhập bệnh viện. Cũng theo bác sĩ Lợi, ngoài các biện pháp nói trên, ngành y tế Long An chưa có sự nghiên cứu nào đến nơi đến chốn để loại trừ cơ bản sự phiền toái mà côn trùng này mang đến cho bệnh viện mỗi khi mùa khô đến.

Theo tìm hiểu của phóng viên, loại côn trùng này không xuất hiện ở các địa phương khác trong tỉnh Long An, mà chỉ thấy ở TP.Tân An. Nói đúng hơn, côn trùng lạ này chỉ có ở phường 3, TP.Tân An, khu vực xung quanh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An. Trước đây, khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An chưa dời về đây, người dân trong khu vực cũng bị sự phiền toái tương tự.

Từ khi có bệnh viện cao 8 tầng lầu, có lẽ côn trùng này bu vào các tầng cao của bệnh viên, người dân sống quanh đó ít bị tấn công hơn. Rất nhiều người dân mỗi khi có bệnh phải đi điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An vào mùa khô, họ rất ngán ngại bị côn trùng gây ngứa lở. Nhiều người đã chọn nơi điều trị xa hơn chỉ vì để tránh sự phiền toái tưởng như nhỏ nhặt ấy.

Liệu loại côn trùng nói trên có liên quan gì đến môi trường đang bị ô nhiễm ở khu vực phường 3, xung quanh bệnh viện? Ngành y tế Long An cần quan tâm tìm ra nguyên nhân và biện pháp xử lý để vào mùa khô hàng năm người bệnh và người nuôi bệnh không phải khổ sở đối phó với côn trùng lạ. Ngành y tế Long An tự hào vì có bệnh viện 500 giường hiện đại, chẳng lẽ chịu bó tay vì những con côn trùng, làm giảm đi sự tin cậy nơi người bệnh?

Nguồn: http://dietcontrung24h.vn