Cúm gia cầm có thể bùng phát

Thứ ba , 24/12/2013, 01:17 GMT+7
     
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảnh báo nguy cơ dịch cúm gia cầm xâm nhập vào nước ta qua các tuyến biên giới giáp Trung Quốc là rất cao

Dịch cúm gia cầm (A/H5N1, A/H7N9 và A/H10N8) có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là khi tình trạng buôn bán, nhập lậu gia cầm cuối năm ngày càng gia tăng và xuất hiện nhiều điểm giết mổ tự phát.

Nguy cơ dịch trên diện rộng

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), từ đầu năm 2013 đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra rải rác ở các tỉnh, thành với tổng số gia cầm mắc bệnh là 123.363 con, trong đó gà chiếm tỉ lệ 17,3%; vịt và ngan chiếm 82,7%. Kết quả giám sát lưu hành virus cúm trên gia cầm cho thấy tỉ lệ phát hiện mẫu dương tính với cúm A là 22,91%, H5 là 7,44% và H5N1 là 5,68%.

Theo nhận định của Bộ NN-PTNT, trong thời gian tới, các địa phương phía Bắc sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài làm giảm sức đề kháng của gia cầm. Trong khi đó, các hoạt động buôn bán, vận chuyển, nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm sẽ gia tăng và nguy cơ dịch cúm gia cầm có thể xảy ra trên diện rộng là rất cao. Đặc biệt, từ đầu năm 2013 đến nay, dịch cúm A/H7N9 trên người đã xảy ra ở 12 tỉnh tại Trung Quốc làm 140 người mắc bệnh, 47 người chết. Mới nhất, tỉnh Giang Tây - Trung Quốc có 1 trường hợp mắc cúm A/H10N8 đã tử vong vào ngày 6-12. Loại virus cúm này được tìm thấy trên các loài chim hoang dã, đã biến đổi và lây sang người.

Gia cầm được bán và giết mổ công khai tại các chợ gần khu vực dân cư sinh sống           Ảnh: NGỌC DUNG
Gia cầm được bán và giết mổ công khai tại các chợ gần khu vực dân cư sinh sống Ảnh: NGỌC DUNG

Dịch cúm A/H7N9 và A/H10N8 chưa xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, nguy cơ xâm nhiễm vào nước ta trong thời gian tới là rất cao, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc và các địa phương có liên quan tới buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng. Trước tình hình này, ngày 20-12, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã có chỉ thị về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống các dịch cúm  A/H5N1, A/H7N9 và A/H10N8.

Ông Văn Đăng Kỳ - Trưởng Phòng Dịch tễ, Cục Thú y, Bộ NN-PTNT - cho biết Cục Thú y đã chỉ đạo các địa phương mua vắc-xin và xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm phòng cúm gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao. Bộ NN-PTNT còn đến 38 triệu liều vắc-xin dự trữ nên không lo thiếu để tiêm phòng.

Người dân vẫn thờ ơ

Tại một chợ cóc ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, mỗi ngày có hàng trăm con gia cầm, thủy cầm được tiêu thụ. Việc giết mổ gia cầm công khai ngay tại khu chợ này. Theo những người bán gia cầm, số lượng gà, vịt thường được mua gom từ nhiều nơi nhưng đều là của các hộ gia đình nên không có chuyện nhiễm bệnh. “Gà, vịt mua ở mối quen thì lo gì nhiễm bệnh!” - một người tiêu dùng cũng khẳng định.

PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho biết nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm dịp cuối năm là rất cao, nhất là khi cả người mua và người bán không ý thức được hậu quả của việc giết mổ gia cầm một cách tràn lan. “Cho đến nay, vẫn chưa xác định được nguồn bệnh, đường lây truyền của virus cúm A/H7N9. Tuy vậy, với đặc tính của virus cúm A dễ biến đổi nên nguy cơ lây nhiễm cúm A/H7N9 từ người sang người là rất cao. Hiện các biện pháp phòng dịch như kiểm soát thân nhiệt hành khách vào Việt Nam vẫn đang được thực hiện tại các cửa khẩu, sân bay quốc tế để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ”- ông Phu nói. Với mối lo ngại mới là cúm A/H10N8,  PGS-TS Trần Đắc Phu cho hay dù Tổ chức Y tế Thế giới chưa đưa ra những cảnh báo về chủng virus H10N8 nhưng các biện pháp phòng chống dịch cũng được khuyến cáo thực hiện giống như cúm A/H5N1 và A/H7N9.

Đối với cúm A/H5N1 trên người, dù nhiều tháng nay dịch tạm lắng nhưng các chuyên gia dịch tễ vẫn lo ngại virus này có thể bùng phát vào dịp cuối năm.

Kiểm soát chặt biên giới

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các tỉnh, thành khu vực biên giới tổ chức giám sát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm dịch động vật; lấy mẫu để giám sát sự lưu hành của virus cúm A/H5N1, A/H7N9 và A/H10N8 đối với gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, nhập khẩu từ các nước có dịch; không cho phép mọi hình thức buôn bán, vận chuyển qua biên giới gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc...

Nguồn: