Đang có nhân tố mới quyết liệt xử tham nhũng

Thứ hai , 23/12/2013, 00:58 GMT+7
     
Mới chỉ 3 trong 10 “đại án” tham nhũng được đưa ra xét xử, đã có đến 4 án tử hình. “Đây là tín hiệu thể hiện cuộc chiến chống tham nhũng mà Đảng khởi xướng bước đầu phát huy tác dụng. Thực sự đang có nhân tố mới muốn chống tham nhũng quyết liệt”, ông Ngô Minh Giang - nguyên Vụ trưởng Vụ An ninh, Ban Nội chính T.Ư nhận định trong cuộc trò chuyện với Báo Giao thông.
Chống tham nhũng phải bản lĩnh, mưu lược

Ông Ngô Minh Giang nói: Với việc chọn 10 “đại án”, trong đó liên tiếp đưa ra xét xử 3 đại án tham nhũng vừa qua, với mức án khá nghiêm khắc, tôi cho rằng, đây là bước tiến trong quá trình chống tham nhũng, bước đầu được nhân dân đồng tình. Song nhân dân và những người tâm huyết bảo vệ chế độ vẫn còn trăn trở lắm!
 
Còn trăn trở điều gì, thưa ông?
"Tôi cho rằng, trong tình hình tham nhũng hoành hành hiện nay thì không phải là “phòng chống tham nhũng” nữa, mà phải là “chống” để “phòng”. Không thể cứ “phòng” rồi làm mãi cũng không xong”.
 
Ông Ngô Minh Giang
nguyên Vụ trưởng 
Vụ An ninh, Ban Nội chính T.Ư

Căn cứ vào các “đại án” đã xử, thì mức án đưa ra cho những đối tượng đã bị truy tố là khá nghiêm khắc, nhưng điều mà dân chúng còn băn khoăn là liệu chỉ mấy đối tượng như vậy có làm nổi những việc tày đình như thế không, hay còn bỏ lọt tội phạm, nhất là những đối tượng này phạm tội cả một quá trình chứ không phải nhất thời... Có nhiều cơ sở để người dân nghi ngờ. Trước hết, những kẻ chưa bị lộ lấy quyền hành, uy tín để che lấp đi. Cũng có thể dùng cách mua chuộc người làm công tác phòng, chống tham nhũng, thậm chí đe dọa...

Như vậy thì làm sao để xử lý triệt để được đối tượng tham nhũng?

Tôi nghĩ là không khó. Nhưng nó phụ thuộc rất nhiều vào những người làm công tác phòng, chống tham nhũng, vấn đề là họ có muốn làm không thôi. Để làm được, đòi hỏi người chống tham nhũng phải có bản lĩnh, trong sạch, trí tuệ nhằm tránh oan sai. Nhưng nếu có trí tuệ, có bản lĩnh, song vì trót “nhúng chàm” khi nhận nhà, nhận đất, nhận “lại quả”... rồi thì khó nói người khác lắm!
 
Ông có cho rằng, sở dĩ công tác phòng, chống tham nhũng của ta chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn, một phần là vì sự “há miệng mắc quai”? 

Cái đó chắc chắn có. Bởi thực ra, có khi anh muốn tố cáo lắm, nhưng người ta chưa bị xử thì mình đã “chết” rồi, vì mình có trong sạch gì hơn đâu. Thế là huề cả làng, đành phải im lặng. Còn có anh muốn tố cáo, anh trong sạch đấy, nhưng vì người tham nhũng có chức vụ cao hơn, vậy nên anh cũng đành chậc lưỡi.

Những điều đó, ông biết hay ông nghe kể?

Bằng kinh nghiệm công tác của mình, tôi biết rõ chứ không phải nghe lại từ ai.
 
Bị cáo Vũ Quốc Hảo - nguyên Tổng giám đốc ALC II
Bị cáo Vũ Quốc Hảo - nguyên Tổng giám đốc ALC II

Đảng đã “nắm được tình hình”

Trước đây, dường như không nhiều “đại án” tham nhũng như bây giờ, thưa ông?

Chẳng phải đâu. Tham nhũng xuất phát từ lòng tham vô đáy của con người, mà lòng tham thì người thời nào cũng thế. Vấn đề là, người ta có dám nhìn thẳng vào sự thật, có dám nói ra để xử lý không thôi.
 
Như vậy, việc chỉ ra 10 “đại án” tham nhũng, đưa ra xét xử cũng chính là một cách thể hiện Đảng ta đang nhìn thẳng vào sự thật?

Bước đầu là như thế. Nhưng cũng phải xem tới đây việc xét xử các vụ còn lại thế nào.
     
Theo ông thì nhân tố nào khiến 10 “đại án” được đưa ra xét xử dồn dập và bản án đưa ra thể hiện sự nghiêm khắc?

Theo tôi, là bởi bây giờ Đảng nắm được tình hình. Ban chỉ đạo chống tham nhũng cũng đưa về để Đảng chỉ đạo trực tiếp rồi. Ban Nội chính T.Ư tái lập, trong đó có đủ điều kiện để làm quyết liệt công tác này. 
 
Nhưng như ông đã chỉ ra, tham nhũng rất tinh vi, nên việc chống hẳn không đơn giản?

Thì thế. Nó đòi hỏi những người làm công tác chống tham nhũng phải có mưu lược, không thể nóng vội được vì nóng vội có khi sẽ bị đánh đổ trước. Cần nhớ, giặc ngoại xâm còn dễ thấy, chứ tham nhũng trong nội bộ mình thì phức tạp lắm, không dễ thấy, dễ xử đâu.

Làm quyết liệt sẽ còn nhiều “đại án” 

Theo ông, việc xác định 10 “đại án” này đã phản ánh đúng thực trạng tham nhũng hiện nay chưa?
Chưa đâu. Tôi chắc rằng nếu làm quyết liệt sẽ còn nhiều “đại án” nữa.
 
Ông bình luận gì về các bản án đã tuyên?

So với trước, trong cuộc chiến chống tham nhũng thì những mức án ấy là thích đáng. 
 
Ông có cho rằng việc xét xử các “đại án” này sẽ khiến quan tham phải giật mình?

Chắc chắn, nó sẽ răn đe cho kẻ tham nhũng ở mức nào đó. Tuy nhiên, cũng không loại trừ sẽ có người tỉnh ra; Song cũng có kẻ sẽ rút vào hoạt động tinh vi hơn, giấu mình tốt hơn, chống đối quyết liệt hơn.
 
Với những kẻ “giấu mình tốt hơn” ấy thì theo ông, cần phải làm gì để trị họ?

Phải có được đội ngũ cán bộ trong sạch, dám nói, dám làm để tóm được chúng. Đó là mấu chốt. Do đó, công tác cán bộ phải minh bạch, loại trừ được hiện tượng mua quan bán chức. Đồng thời, phải phát huy được vai trò, sức mạnh của dân chúng trong việc phát hiện, tố giác tham nhũng. Hệ thống luật pháp, quyết định, chỉ thị… cũng cần phải được hoàn thiện, không để có kẽ hở.
Nguồn: