Đến Hội An, ngồi vỉa hè ăn hoành thánh, bánh bao, bánh vạc

Thứ ba , 24/12/2013, 02:26 GMT+7
     
Cùng với cao lầu thì hoành thánh, bánh bao, bánh vạc cũng là những món ăn hấp dẫn, đặc trưng của Hội An. Ba món này thường được nhắc đến cùng với nhau, lý do vì sao thì không rõ…

Khi đến với Hội An, du khách sẽ dễ dàng nhận thấy đây là một thành phố nổi tiếng không chỉ bởi nó là di sản văn hóa mà còn bởi những nét văn hóa đặc trưng rất riêng biệt của thành phố cổ này. Trong đó, văn hóa ẩm thực là một nét văn hóa quan trọng tạo nên hình ảnh, hương vị riêng cho Hội An. 

Ẩm thực Hội An rất đa dạng với nhiều đặc sản nổi tiếng, nhưng được biết đến nhiều nhất thì ngoài cao lầu có lẽ là hoành thánh, bánh bao, bánh vạc.

Hoành thánh, bánh bao, bánh vạc là những món ăn vừa dân dã vừa sang trọng của Hội An. Bánh bao – bánh vạc là hai loại bánh có nguyên liệu, cách làm gần giống nhau và thường ăn chung trên một đĩa bánh. Nguyên liệu chính để chế biến hai loại bánh này là gạo, loại gạo thật trắng, nguyên hạt, dẻo, thơm. Để có được vỏ bánh ngon thì phải chọn loại gạo được trồng trên ruộng đất sạch. Gạo ngon được xay thành bột, nước dùng để ngâm và xay gạo phải thật sạch, không nhiễm phèn. Sau nhiều lần lọc đi, lọc lại cho thật tinh khiết, bột được lọc lại và ve thành khối lớn. Bên cạnh công đoạn làm vỏ bánh là công đoạn làm nhân bánh, nhân bánh bao và bánh vạc không giống như nhau.

Nhân bánh vạc được làm từ tôm đất giã nhuyễn trộn với một ít tiêu, tỏi, hành, sả cùng những gia vị bí truyền. Nhân bánh bao lại được làm từ thịt heo, nấm mèo, hành lá thái mỏng rồi xào cùng gia vị bí truyền đó. Có lẽ phần gia vị này cũng là một nguyên nhân khiến bánh bao – bánh vạc chỉ có thể ăn ngon ở Hội An. Những gia vị và nguyên liệu của bánh bao và bánh vạc sau khi được lựa chọn sẽ được rửa sạch và giã nhỏ trong cối, không dùng máy xay bởi nếu xay bằng máy sẽ mất đi vị ngon, ngọt của nguyên liệu. Sau khi giã xong, những nguyên liệu này được xào và nêm mắm muối. Cái khó trong việc làm bánh bao và bánh vạc là hai loại bánh này phải được thực hiện song song vì thế thông thường phải có từ 2-3 người cùng nấu món này. Bánh bao phải được gói 1 lớp bột thật mỏng, cách điệu như cánh hoa hồng, bánh vạc lớn hơn bánh bao, được nặn như hình quai vạc. Sau khi gói xong, cả hai bánh này được đem hấp cách thủy, thời gian hấp lý tưởng là từ 10 – 15 phút. Khi bày thì hai loại bánh này được bày chung trên 1 đĩa và dùng cùng 1 loại nước chấm.

Hoành thánh là món ăn có xuất xứ từ Trung Quốc, món ăn này được những người Hoa đến định cư tại Hội An mang đến. Hoành thánh có rất nhiều loại như hoành thánh thịt, hoành thánh tôm, hoành thành gà… Không phải chỉ ở Hội An mới có món ăn này nhưng hoành thánh ở Hội An đặc biệt hơn những nơi khác bởi hương vị có chút gia vị của người Hoa và bởi hình dáng khác với các nơi khác. Vì thế mà trong thực đơn của rất nhiều nhà hàng ở Hội An có món hoành thánh. Đặc biệt nhất trong các món hoành thánh ở Hội An là hoành thánh chiên. Để chế biến hoành thánh, phải chọn bằng được loại bột mì thơm dẻo. Trộn bột mì với trứng gà sau đó đánh đều hỗn hợp này nhiều lần cho thật nhuyễn, cán bột càng mỏng càng tốt. Muốn cho ra đời những bánh hoành thánh đẹp, khéo léo cắt bột thành từng miếng nhỏ để làm vỏ bánh, nhẹ nhàng đặt phần vỏ lên lòng bàn tay cho nhân vào giữa túm đều các mí bánh thật khít. Nhân hoành thánh được làm từ những con tôm đất còn tươi nguyên, cũng có thể là thịt gà, thịt heo nhưng tôm là nguyên liệu thường được lựa chọn nhất. Nguyên liệu sau khi được làm sạch sẽ cho vào cối giã nhỏ, nêm nếm gia vị rồi quết lại cho thật nhuyễn. Khi gói xong, những chiếc bánh hoành thánh xinh xinh sẽ được mang đi chiên giòn. Hoành thánh chiên ở Hội An không chấm nước chấm như ở nhiều thành phố khác mà được bày vào đĩa lớn, thêm cà chua, xà lách bày xung quanh, cuối cùng chan nước sốt lên mặt. Khi đã chan nước sốt, hoành thánh phải được dùng ngay cho nóng và vẫn giữ được độ giòn của bánh.

Nếu như có dịp đến với Hội An, hãy thử một lần thưởng thức những món đặc sản này để hiểu thêm về văn hóa ẩm thực của thành phố cổ nhỏ nằm bên bờ sông Thu Bồn xinh đẹp của xứ Quảng.

Nguồn: