Dơi nâu tai dài xuất hiện trở lại

Thứ tư , 18/12/2013, 14:18 GMT+7
     
Loài dơi nâu tai dài (Plecotus auritus) sau 40 năm mất tích vừa được các nhà sinh vật học của Trường ĐH Exeter (Anh) phát hiện trở lại trên quần đảo Scilly, thuộc Vương quốc Anh.

Dơi nâu tai dài là sinh vật đặc hữu trên quần đảo Scilly. Chúng có đôi tai khổng lồ trải dài đến 3/4 chiều dài toàn bộ cơ thể và thường gấp tai lại khi ngủ. Không giống với các loại dơi khác, chúng ít phụ thuộc vào sự định vị bằng tiếng vang mà dùng thính giác tuyệt vời của mình để định hướng và lắng nghe tiếng côn trùng như bướm đêm, sâu bướm ăn lá để săn bắt. Chúng cũng nổi tiếng là loài dơi “kín tiếng” nên rất khó bị phát hiện bởi những loại máy dò thông thường. Tuy thế, do thường bay gần mặt đất nên chúng dễ bị mèo nhà bắt được.

Từ những năm 1960, do mất môi trường sống, chủ yếu là các cánh rừng, loài dơi tai dài đã mất tích. Tuy nhiên mới đây, một con dơi cái đang mang thai đã được các nhà sinh vật học phát hiện đang ngủ trên một cây thông. Phát hiện này cho thấy có một đàn dơi đang sinh sản trên đảo vì dơi thường sống theo bầy đàn. Các nhà sinh học cho rằng họ có thể cải thiện môi trường sống của loài dơi này như trồng cây thu hút côn trùng bay đêm, tạo chỗ trú ngụ cho chúng…

Nguồn: http://dietcontrung24h.vn