Hàng triệu ngư dân vẫn đang cần hỗ trợ

Thứ ba , 24/12/2013, 01:05 GMT+7
     
Là kế sinh nhai cho khoảng 4 triệu lao động, mỗi năm thu hút thêm khoảng 20.000 lao động mới, đánh bắt hải sản đã giúp người dân nhiều tỉnh ven biển nước ta duy trì cuộc sống. Tuy nhiên, đời sống của ngư dân đang ngày một khó khăn hơn do phương thức khai thác dựa trên kinh nghiệm, phương tiện yếu kém, các nguồn hải sản ven bờ đang dần cạn kiệt. Với điều kiện đánh bắt khó khăn hơn, thời tiết cực đoan hơn, rủi ro cao hơn… ngư dân đang rất cần sự hỗ trợ để có thể duy trì cuộc sống và góp phần bảo vệ an ninh biển đảo.

Đời sống của hàng triệu người phụ thuộc vào biển

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có khoảng 128 nghìn tàu thuyền các loại tham gia nghề khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá trên các vùng biển, hải đảo; tuy nhiên khoảng 80% trong số này có công suất nhỏ (dưới 90 cv), nên chỉ tập trung khai thác ở vùng lộng và ven bờ. Năng suất lao động của đại bộ phận ngư dân còn thấp, thu nhập bấp bênh. Lao động nghề cá phần lớn là cha truyền con nối, không được qua trường lớp đào tạo, ngay cả đối với đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng, nên thiếu các kiến thức cơ bản để có thể sử dụng thành thạo các thiết bị hàng hải, khai thác; thiếu các kiến thức pháp luật về hàng hải, nhất là các quy định liên quan đến hoạt động khai thác ở những vùng biển quốc tế. Điều này dẫn đến nhiều rủi ro ngư dân có thể gặp phải. Dù vậy, hiện chúng ta chưa có một trường, lớp nào đào tạo chuyên nghiệp về khai thác, đánh bắt xa bờ, mà chủ yếu vẫn là hình thức truyền nghề theo kinh nghiệm, từ thực tiễn khai thác, và tự học hỏi lẫn nhau.

Được biết, để tạo sự hợp tác, tương trợ, giúp đỡ nhau, giảm bớt chi phí, khắc phục rủi ro, giảm thiểu thiệt hại… Bộ NN&PTNT cũng đã phối hợp với các địa phương triển khai tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản theo hình thức tổ ngư dân đoàn kết. Đến nay, trên cả nước đã thành lập khoảng 3.700 tổ, đội với khoảng 22.850 tàu cá (159.000 lao động) và thí điểm thành lập gần 50 nghiệp đoàn đánh cá nhằm chia sẻ thông tin về ngư trường, thời tiết, kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau xử lý rủi ro trên biển, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, góp phần giảm bớt chi phí sản xuất, giảm thiểu thiệt hại khi gặp rủi ro…

Mô hình này (theo báo cáo) đã có hiệu quả, thể hiện ở sản lượng khai thác tăng (có tàu tăng 1,2 đến 1,5 lần so với đánh bắt đơn lẻ); việc quản lý thông tin tàu thuyền cũng thuận lợi hơn.  Dù vậy, các tổ, đội vẫn chủ yếu hình thành tự phát theo gia đình, dòng họ, thôn xóm, chưa có quy chế hoạt động và hầu như chưa nhận được sự hỗ trợ nào của Nhà nước cũng như địa phương.

 

Đời sống của ngư dân ngày càng bấp bênh.

 

Các hỗ trợ chưa phát huy hiệu quả

Một thực tế không thể phủ nhận là đời sống của ngư dân đang ngày càng khó khăn hơn do chi phí, rủi ro thì tăng lên mà hiệu quả lại giảm xuống. Báo cáo giám sát mới đây của Ban Dân nguyện của Quốc hội kết luận: Công tác quản lý, phát triển tàu cá của ngư dân còn nhiều bất cập, quy hoạch phát triển tàu thuyền không hợp lý, thiếu định hướng nên dẫn đến số lượng các phương tiện khai thác ven bờ chiếm tỷ lệ lớn. Thực tế khai thác tại nhiều địa phương cho thấy, tỉ lệ cá tạp, cá chưa trưởng thành trong các mẻ lưới ngày càng cao, chiếm khoảng từ 40% đến 80% sản lượng đánh bắt. Đặc biệt là khai thác theo hình thức tàu lưới kéo, sử dụng lưới mắt nhỏ để đánh bắt cá con, đánh bắt các loài đang trong thời kỳ đi đẻ (mực, cá, ghẹ có trứng) đang góp phần tận diệt kế sinh nhai của thế hệ sau. Tại hầu hết các tỉnh ven biển, hoạt động khai thác bằng chất nổ, xung điện, hóa chất độc hại vẫn còn.

Thời gian qua, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng việc triển khai lại chưa phù hợp. Có thể kể đến chính sách tín dụng, mới chỉ cho vay đóng tàu, nhưng lại không tính đến cho vay để mua sắm ngư lưới cụ và trang thiết bị. Việc xây dựng các điểm tránh trú bão, neo đậu tàu thuyền, bến cá, cảng cá đã được phê duyệt quy hoạch từ năm 2010, nhưng tiến độ đến nay mới chỉ đạt khoảng trên 50% theo quy hoạch. Một số cảng cá, bến cá đã quá tải, xuống cấp, khó khăn cho tàu, thuyền qua lại, làm tăng chi phí.

Đó là chưa kể đến việc bố trí vốn đầu tư các dự án lại được Quốc hội đánh giá là dàn trải, chưa có các tiêu chuẩn kỹ thuật, nên các công trình chưa phát huy hiệu quả, đặc biệt ở khu vực miền Trung. Các cơ sở đóng, sửa tàu cá ở các địa phương cũng còn manh mún,  tay nghề chưa được đào tạo, chủ yếu đóng tàu nhỏ vỏ gỗ theo mẫu và kinh nghiệm dân gian nên khó có thể đảm bảo về mặt an toàn và khả năng chống chọi với gió bão trên biển…

 

 

Nguồn: