Hệ sinh thái sẽ mất cân bằng nếu không có ...muỗi?

Thứ tư , 18/12/2013, 14:43 GMT+7
     
Loại bỏ hoặc vô hiệu hóa khả năng truyền bệnh của muỗi, lâu nay vẫn là vấn đề hóc búa đối với nhiều nhà khoa học. Trong khi một số chuyên gia cho rằng, muỗi biến mất sẽ khiến hệ sinh thái mất cân bằng, một số người khẳng định vai trò của muỗi có thể được các loài khác đảm trách.

Sự loại trừ loài muỗi có thể sẽ tạo ra sự khác biệt sinh thái lớn nhất ở Bắc Cực, quê hương của những loài muỗi như Aedes impiger và Aedes nigripes. Trứng của loài côn trùng này nở vào thời kỳ sau khi tuyết tan, và trưởng thành chỉ trong 3 – 4 tuần. Ở khu vực từ bắc Canada tới Nga luôn có những quãng thời gian ngắn muỗi xuất hiện dày đặc, tạo thành những đám mây muỗi che kín bầu trời.

Điều gì sẽ xảy ra nếu hàng tỷ con muỗi ấy biến mất? Bruce Harrison, nhà côn trùng học tại Bộ Môi trường và Tài nguyên Bắc Carolina ở Winston – Salem (Mỹ), ước tính số lượng các loài chim di cư làm tổ ở khu vực này sẽ giảm hơn một nửa nếu chúng không có muỗi để ăn.

Không có ấu trùng muỗi, hàng trăm loài cá sẽ phải thay đổi nguồn thức ăn nếu muốn sống sót. “Điều này có vẻ đơn giản, nhưng thói quen này đã hằn trong gene của những loài cá đó,” nhà nghiên cứu Richard Merritt, ở ĐH Bang Michigan ở East Lansing, nói. Loài cá muỗi (Gambusia affinis), vốn rất giỏi săn muỗi ở các ruộng lúa hay ao chuôm, có thể sẽ bị tuyệt chủng nếu không có muỗi để ăn nữa. Sự biến mất của muỗi có thể dẫn đến hậu quả đối với một số động vật khác theo phản ứng dây chuyền.

Nhiều nhà khoa học cho rằng muỗi biến mất sẽ không gây hậu quả gì ghê gớm. (Nguồn: Daily Mail)

Nhiều loài côn trùng, nhện, kì nhông, thằn lằn và ếch cũng sẽ mất nguồn thức ăn chính yếu. Theo một nghiên cứu vừa được xuất bản, các nhà nghiên cứu Pháp đã theo dõi loài chim ăn côn trùng ở một công viên ở Carargue (Pháp) sau khi khu vực này bị phun thuốc diệt muỗi, và phát hiện tỷ lệ sinh của loài chim này giảm từ ba xuống hai con trên mỗi tổ.

Các loài chim ăn côn trùng có thể sẽ phải chọn các loài côn trùng khác, những loài sẽ phát triển mạnh ở thời “hậu muỗi”.

Trong khi đó, Cathy Curby, nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu về thế giới hoang dã tại Ban Cá và Động vật hoang dã Mỹ ở Fairbanks, Alaska, cho biết muỗi không chiếm một tỉ lệ cao trong dạ dày các loài chim, trong khi ruồi nhuế mới là nguồn thức ăn quan trọng. “Chúng ta có thể đã đánh giá quá cao tác động của muỗi ở Bắc Cực bởi vì chúng thu hút chúng ta,” bà nhận xét.

Muỗi ngốn tới 300 ml máu của mỗi con tuần tộc mỗi ngày, khiến loài này luôn phải chạy ngược gió để chạy trốn chúng. Nếu tuần lộc thay đổi lộ trình sẽ gây ra thay đổi trong cuộc sống ở thung lũng Bắc Cực ở nơi chúng di cư qua, giẫm nát cây cỏ trên mặt đất, ăn địa y, mang theo chất dinh dưỡng cho cây, làm thức ăn cho sói. Vì thế, sự vắng mặt của muỗi sẽ khiến cuộc sống của các sinh vật Bắc Cực thay đổi rất nhiều. Nhưng liệu điều đó có đúng ở các nơi khác?

Muỗi cũng không đóng vai trò quá quan trọng đối với một số sinh vật như dơi. Dơi ăn sâu bướm là chính, chỉ 2% nguồn thức ăn của chúng là muỗi.

Vì muỗi không phải loại thức ăn duy nhất của nhiều loài, nên không có đủ bằng chứng để khẳng định sự biến mất của loài muỗi sẽ khiến nhiều động vật, côn trùng chết đói.

Trong hệ sinh thái

Ở giai đoạn ấu trùng, muỗi đóng vai trò đáng kể trong việc tiêu thụ sinh vật phân hủy trong nước, vì chúng nhan nhản trong các ao chuôm, hố nước, trên cây hay thậm chí các lốp xe cũ. Chúng ăn lá cây mục, các mảnh vụn tạo thành từ quá trình phân hủy hay các vi sinh vật. Câu hỏi đăt ra là nếu không có muỗi, liệu có loài sinh vật lọc nước nào thay thế vị trí của chúng không?

“Muỗi không phải là loài duy nhất ăn các chất phân hủy này và cũng không phải loài quan trọng nhất. Nếu bạn tháo một cái đinh ốc ra khỏi cánh máy bay, điều đó không có nghĩa là máy bay sẽ bị rơi,” Juliano lập luận.

Ấu trùng muỗi là những thành viên quan trọng trong những cộng đồng khép kín đông đúc ở khu vực biển thuộc Bắc Mỹ. Các loài muỗi và ruồi nhuế (muỗi vằn) là những loài côn trùng duy nhất sống ở đó, cùng với các vi sinh vật như trùng bánh xe, vi khuẩn và sinh vật đơn bào. Khi các loài côn trùng khác rơi vào vùng nước này, ruồi nhuế ăn xác chúng còn ấu trùng muỗi ăn những phần thừa, tạo ra chất dinh dưỡng như ni-tơ cho cây. Trong trường hợp này, loại trừ muỗi sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

Năm 1974, nhà sinh vật học John Addicott, hiện nay đang ở ĐH Calgary ở Alberta (Canada), nhấn mạnh sự đa dạng hơn của các sinh vật đơn bào với sự hiện diện của ấu trùng muỗi. Theo ông, khi các ấu trùng muỗi ăn, chúng giúp làm giảm số lượng các loài sinh vật đơn bào vượt trội, tạo điều kiện cho các loài khác tồn tại. Những ảnh hưởng lớn hơn tới các loài cây chưa được biết tới.

Ngoài ra, muỗi có vai trò nhất định trong việc cung cấp những “dịch vụ cho hệ sinh thái” – lợi ích con người nhận được từ tự nhiên. Nhà sinh học tiến hóa Dina Fonseca tại ĐH Rutgers, bang New Jersey (Mỹ), so sánh muỗi với loài hút máu họ Caretopogonidae, còn được gọi là “kẻ hút máu vô hình”. “Những người bị chúng đốt hoặc bị nhiễm bệnh do virus, sinh vật đơn bào hay giun sán thông qua chúng sẽ cảm thấy muốn loại trừ chúng”. Tuy nhiên, một số caretopogonidae là trung gian thụ phấn cho các cây nhiệt đới như cacao, nên “ kẻ hút máu vô hình bị tiêu diệt đồng nghĩa với một thế giới không sô-cô-la”.

Không có muỗi, hàng ngàn loài cây sẽ mất đi một nhóm sinh vật giúp chúng thụ phấn. Những con trưởng thành ăn mật hoa và phấn hoa (chỉ những con cái của một số loài cần hút máu để bổ sung lượng protein cần thiết để ấp trứng).

McAllister lại cho rằng sự giúp thụ phấn của muỗi không phải là thiết yếu cho các vụ mùa mà con người cần. “Ảnh hưởng sinh thái của việc loại trừ loài muỗi gây hại là nhiều người không bị nhiễm bệnh. Nhiều nước sẽ không còn phải chịu gánh nặng từ bệnh sốt rét, ví dụ như những nước Châu Phi ở gần khu vực Sahara có thể phục hồi 3% GDP tiêu tốn cho việc chữa bệnh hàng năm.” McAllister nói.

Phil Lounibos, nhà sinh thái học tại Phòng thí nghiệm Côn trùng học Y tế Florida ở Vero Beach (Mỹ), cho rằng việc loại trừ muỗi chỉ tạm thời xóa bỏ nỗi khổ sở của loài người, vì chỗ trống đó sẽ nhanh chóng được thay thế bởi một loài khác. Nhóm của ông thu thập loài muỗi gây bệnh sốt vàng da (Aedes aegypti) từ các bãi phế liệu ở Florida, và nhận ra chúng đã giao phối với loài muỗi hổ châu Á (Aedes albopictus) - loài truyền nhiều bệnh cho con người. Sự kết hợp này làm giảm số lượng loài muỗi gây bệnh sốt vàng da, cho thấy một loài côn trùng có thể được thay thế một loài khác.

Nguồn: http://dietcontrung24h.vn