Hướng tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân

Thứ ba , 24/12/2013, 01:10 GMT+7
     
Ngày 23/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị thực hiện nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị tại các tỉnh, thành phía Nam từ khi Bộ Y tế triển khai ngày 1/7/2013 đến nay, đồng thời đề ra kế hoạch tiếp tục triển khai và sớm đưa các nội dung của Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Hoạt động khám chữa bệnh cho người cận nghèo tham gia Bảo hiểm Y tế. Ảnh: TTXVN


Ông Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, sau 3 năm thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế và 6 tháng triển khai Nghị quyết 21 Bộ Chính trị, công tác bảo hiểm y tế đạt được những kết quả khả quan, như tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội của cả nước năm 2013 chiếm gần 70% dân số; việc cân đối quỹ bảo hiểm y tế khá tốt, dần hướng tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, đảm bảo tốt an sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những hạn chế như diện bao phủ bảo hiểm như hiện nay chưa cao, vẫn còn tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các doanh nghiệp. Do đó, việc Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị được ban hành có ý nghĩa rất lớn đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Ba mục tiêu căn bản mà Nghị quyết 21 Bộ Chính trị hướng tới là tăng diện bao phủ bảo hiểm y tế đến 2020 đạt trên 80% dân số; sử dụng an toàn, đảm bảo cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội dài hạn và Quỹ bảo hiểm y tế; xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tại Hội nghị, các đại biểu là lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Bảo hiểm xã hội, Sở Y tế các tỉnh, thành khu vực phía Nam đã thảo luận và đưa ra nhiều kiến nghị đối với các cấp lãnh đạo. Trong đó, nhiều nội dung được quan tâm như biện pháp tăng tỷ lệ bảo hiểm y tế diện tự nguyện, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đa số là đối tượng thuộc diện bắt buộc, tỷ lệ đối tượng tự nguyện tham gia rất thấp. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần điều chỉnh giá dịch vụ y tế; chuyển hình thức tham gia bảo hiểm y tế cá nhân sang hình thức gia đình…

Đánh giá về tình hình thực tế tham gia bảo hiểm y tế tại địa phương, ông Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tại tỉnh này là 64%, đa số là những đối tượng này thuộc diện bảo hiểm bắt buộc, còn đối tượng tự nguyện chỉ chiếm 2%. Hiện, cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực cho các tuyến y tế xã, phường yếu nhưng chưa có nguồn đầu tư, do vậy ông Định kiến nghị các cấp lãnh đạo có chính sách trích nguồn kết dư bảo hiểm y tế tại tỉnh cho việc đầu tư cơ sở, vật chất và nhân lực tại địa phương. Đồng thời, nên giảm tỷ lệ chi trả bảo hiểm cho đối tượng cận nghèo xuống còn 5% (hiện là 20%) và đối tượng diện nghèo miễn hoàn toàn việc chi trả bảo hiểm y tế, có như vậy mới thu hút được người dân tham gia.

Ông Trương Hữu Cường, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Kiên Giang cũng cho rằng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần sớm ban hành quy định tiêu chí về mức sống trung bình đối với người dân làm nông nghiêp, ngư nghiệp và lâm nghiệp để họ hưởng chế độ được nhà nước hỗ trợ 30% phí mua bảo hiểm y tế. Ông cũng kiến nghị Bộ Y tế hướng dẫn việc cấp mã quyền lợi cho người dân sống trên xã đảo…

Nguồn: