Mười năm, một xe cháo xóa nghèo...

Thứ ba , 24/12/2013, 02:23 GMT+7
     
Chị là Nguyễn Thị Thọ, người có thâm niên bán cháo huyết gần 10 năm ở đường Hồng Bàng (quận 5, TP Hồ Chí Minh). Xe cháo của chị lọt thỏm vào hàng nghìn xe đẩy bán thức ăn khác ở một thành phố lớn, nhưng khó ai quên nếu một lần được thưởng thức. Đáng quý hơn, nhờ xe cháo ấy, 10 hộ nghèo khác cũng đổi đời.

Chị Thọ thuê một căn phòng trong hẻm trên đường Lý Thường Kiệt, quận 10 để có chỗ ngả lưng mỗi buổi trưa. Hầu hết thời gian trong ngày chị phải quần quật với hàng trăm công việc, chị và các đồng nghiệp chỉ tranh thủ ngả lưng cho giãn gân, giãn cốt vào buổi trưa. Chị kể, buổi ban đầu hành nghề, chị từng bị lực lượng trật tự đô thị đẩy đuổi, rồi tịch thu xe cháo nên đứt vốn, con cái ở quê phải tạm dừng việc học. Rút kinh nghiệm, giờ chị chỉ bán cháo từ 5 đến 7 giờ sáng, thời điểm chỉ có dân lao động nghèo đã thức giấc và tìm thức ăn bình dân lót dạ.

Tôi đến thăm chị vào buổi trưa, rất áy náy vì phá giấc ngủ quý giá của chị, nhưng lại bất ngờ khi được chị nhờ... phụ bếp. Chị bảo "thấy chú rảnh, sẵn lúc chú phỏng vấn, chị tranh thủ thái hành, xắt chanh, băm gừng luôn. Nếu chú "vô tư" thì vào mà làm". Thế là tôi cầm dao thái hành, xắt gừng theo sự hướng dẫn của chị. Hành xắt càng nhuyễn càng thơm; gừng xắt sợi để người ăn sáng sớm có thể nhai và ngấm cái cay nồng. Còn chanh thì một trái xắt làm sáu miếng, chỉ chừa cái cùi có hạt nhằm tiết kiệm tối đa.

Chị em đang vui tay, vui miệng thì điện thoại của chị reo, đầu dây bên kia hối giao dồi, chị chạy vào trong vớt ra một thau to dồi luộc. Thì ra, ngoài việc chế biến món dồi cho xe cháo của mình, chị còn gia công dồi và nhiều món khác cho 10 xe cháo nữa là anh em, bà con bên chồng, đồng hương nghèo. Chị kể, 10 người bán xe cháo kia trước đây đều nghèo, nhưng nhờ chịu khó buôn bán, lấy công làm lời nên giờ ai cũng khá, mua được nhà ở vùng ven, sắm nhiều tiện nghi và chuyển cả gia đình ngoài quê vào sinh sống. Lúc họ mới vào, chị đã dạy nghề, cho mượn vốn đóng xe và còn chuyển giao một số "bí kíp" khác... Giờ chị vui lắm vì đã làm được điều tốt cho những người nghèo khó hơn mình.

Vui chuyện, chị tâm sự: Hai vợ chồng chị và một đứa con đã vào TP Hồ Chí Minh, còn một đứa gửi lại ở quê để học hành tử tế. Chị còn gánh nặng gia đình nội ngoại hai bên, nên đâu đành dứt áo rời quê được. Chị từng ước ao hết nghèo thì mong ước ấy đã thành hiện thực. Chị từng ước ao đứa con đầu tiên được đi học lại thì nay cháu đã trở lại học hành. Chị từng mơ mỗi tháng gửi về quê 10 triệu đồng để đóng học phí cho con, thang thuốc cho song thân thì nay đã hoàn tất. Vậy là hạnh phúc rồi. Tâm nguyện của chị sau khi hai con cái học hành thành đạt, chị sẽ dành dụm ít vốn về quê mua đất cấy cày, trồng trọt.

Khoảng 20 giờ đêm chồng chị trở về. Anh vừa nhận bao thịt, lòng heo mới mổ. Hai vợ chồng chị hì hụi thái thịt chia ra thành 10 phần để đi giao cho các xe cháo còn lại. Công việc hằng ngày của anh chị là thế, bất kể mưa nắng, miễn đúng giờ để các đồng nghiệp còn kịp cho một ngày rong ruổi mưu sinh.

Mỗi sáng, xe cháo lòng của chị bán khoảng 300 tô và không ngày nào, kể cả lễ, Tết, tại góc đường Hồng Bàng - Đỗ Ngọc Thạnh lại vắng bóng chị. 10 năm, một xe cháo giữa Sài Gòn và nảy nở thêm 10 xe cháo khác. 10 năm, một gia đình thoát nghèo và có thêm 10 gia đình khác đủ ăn, đủ mặc...

Nguồn: