Quản lý mầm non: Cấm thì dễ, rồi học ở đâu?

Thứ ba , 24/12/2013, 01:01 GMT+7
     
Dân nhập cư đang lao động là những người đang đóng góp cho TP, con cái của họ phải được chăm lo.

“Theo dõi thông tin, thấy những người có trách nhiệm nói quyết liệt đóng cửa cơ sở không phép khiến tôi lo lắm. Chúng ta phải đặt mình là người được thụ hưởng mà xem, không khéo chúng ta lại rơi vào cảnh không quản được thì cấm. Cấm thì dễ quá nhưng dễ như thế thì chết!”. Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, tại phiên họp giải trình sáng 23-12 giữa ngành giáo dục TP và các đơn vị liên quan với Ban Văn hóa-Xã hội của HĐND TP về các vấn đề quản lý xoay quanh vụ bạo hành trẻ xảy ra ở quận Thủ Đức gây bức xúc tuần qua.

Khó khăn chồng chéo

Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết hiện TP.HCM có khoảng 65.000 trẻ diện KT3 đang theo học tại các cơ sở giáo dục. Đây là gánh nặng rất lớn. Nhu cầu thì nhiều mà trường lớp không đủ đáp ứng. Trong khi đó, các trường công lập chủ yếu giữ trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên nên phải trông cậy vào các nhóm trẻ và gia đình tự quản lý.

“Tuy nhiên, vấn đề tồn tại hiện nay là khi các nhóm trẻ xin cấp phép lên thành trường, do có một vài điều kiện chưa tốt như nhà vệ sinh, cầu thang, thiếu đồ chơi... nên không được cấp phép. Những cơ sở này Sở chỉ có thể huy động các trường mầm non công lập hỗ trợ đồ chơi, vật liệu học... còn kinh phí để sửa chữa hoặc đầu tư thêm vào thì không có. Chưa kể các trường ngoài công lập gánh cho TP lượng trẻ năm tuổi để thực hiện phổ cập mầm non nhưng số trẻ này lại không được ngân sách hỗ trợ như ở trường công lập là một thiệt thòi cho họ” - bà Thanh nói.



Vì không vào được trường mầm non công lập, người lao động phải gửi con em vào những cơ sở mầm non tư thục tối tăm, chật chội như thế này tại phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân. Ảnh: PHẠM ANH

Ông Phạm Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, nêu một khó khăn khác. Đó là tình trạng thiếu trường công khi đến nay quận còn tới ba phường chưa có trường mầm non. Có phường đã có đất nhưng kẹt vốn. Trong khi đó, quận chỉ có thể xét duyệt những dự án xây trường phổ thông, còn trường mầm non trên 30 tỉ đồng phải trình lên Sở Xây dựng, phải mất ít nhất… một năm mới được duyệt! Vì thế quận phải “lách” bằng cách chia nhỏ vốn đầu tư thành hai phần để quận tự quyết luôn.

Quận kêu thiếu trường nhưng có quận lại có trường mà không có người học. Đại diện UBND quận 2 chỉ ra bất cập: TP nên tính thời gian lâu dài. Tập trung vào những địa bàn đông dân cư, người lao động nhưng cũng phải tính đến 15-20 năm nữa sẽ như thế nào, có phức tạp hơn hay thưa thớt đi. Vì như địa bàn quận 2, chăm lo xây trường lớp rất nhiều từ trước đây nhưng đến nay có đến ba trường cấp hai mà không có người học, bàn giao rồi để đó vì người dân di dời dần!

Không chỉ chuyện trường lớp, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, còn chỉ ra một bất cập đó là trường quá tải số trẻ học, có bảo mẫu nhưng không có chức danh để họ được hưởng các chính sách liên quan. Chế độ thang bảng lương cho bảo mẫu hiện chỉ 1.0, tức hơn 1 triệu đồng là quá thấp, rất khó tuyển và đảm bảo đời sống tốt cho họ.

Còn nhiều lỗ hổng trong quản lý

Vì những thực tế đó, bà Thanh thừa nhận ngành đã kiểm tra nhưng chưa liên tục và sâu sát, còn nhiều lỗ hổng trong quản lý. Bà Thanh cho rằng: “Chúng tôi nhận trách nhiệm nhưng phải nhìn nhận rằng quản lý chung đến mức nào rồi, tầm nào rồi chứ không thể nói chỗ này có nhiều khu nhà trọ thì cần nhiều trường. Có trường rồi ai sẽ giữ trẻ ở đó, giáo viên có được tính giờ phụ trội hay không, thậm chí có đất rồi còn không có kinh phí để xây thì đừng nói đến việc phải dành đất xây trường” - bà Thanh quyết liệt.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng công nhân, người dân nhập cư đang lao động cũng là những người đang đóng góp cho thành phố nên họ xứng đáng được chăm lo về chỗ học cho con cái nhưng thời gian qua TP chưa làm được, đó là trách nhiệm rất lớn của TP. TP cấm thì dễ nhưng con em của họ sẽ như thế nào. “Không phải là họ có chỗ gửi hay không mà chỗ đó có đảm bảo và vừa túi tiền của người dân hay không. Chúng ta phải giải mã cho được, trong khi TP chăm lo cho giáo dục, cho trẻ em như thế thì lại để xảy ra những sự việc rất đau lòng” - bà Tâm bức xúc.

Bà Tâm yêu cầu các quận, huyện, ban ngành cần phân công và giao trách nhiệm sát hơn nữa, cân đối lại tổng quỹ biên chế để sử dụng sao cho hợp lý. HĐND sẽ xem xét lại phân bổ biên chế, cấp nào, nơi nào cần nhiều hay ít để làm việc hiệu quả hơn. Bên cạnh đó cần xem lại công tác kiểm tra, không để tình trạng khi xảy ra sự việc thì vào cuộc ào ào nhưng sau đó thì bỏ ngỏ, đâu lại vào đó. Kiểm tra để hướng dẫn, tạo điều kiện, hỗ trợ cho người dân, cơ sở mầm non nào đảm bảo điều kiện thì cấp phép ngay, thấy họ thiếu cái gì, cái gì chưa được thì hỗ trợ cho họ để họ khắc phục ngay chứ không chỉ thấy sai là xử phạt. Sở GD&ĐT cần quan tâm đầy đủ hơn, nhất là vấn đề bồi dưỡng cho đội ngũ mầm non.

Các quận, huyện cần rà soát, báo cáo tình hình nhóm trẻ và công tác quản lý trên địa bàn, nêu rõ những khó khăn, thắc mắc, kiến nghị, đánh giá và gửi về Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TP.HCM trước ngày 15-1-2014. Từ đây HĐND TP sẽ có căn cứ chuẩn bị nội dung và tổ chức buổi chuyên đề lấy ý kiến đóng góp từ các đơn vị liên quan nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại và có các quyết định liên quan. Đồng thời có kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, đầu tư xây dựng chuẩn bị cho năm học mới 2014-2015.

Kiểm điểm trách nhiệm quản lý trong vụ hành hạ trẻ

Đề nghị các quận, huyện sớm cấp giấy phép cho các cơ sở giữ trẻ đủ điều kiện, kiên quyết rút giấy phép, đóng cửa các cơ sở không đủ điều kiện, xử lý nghiêm các điểm giữ trẻ không phép. Riêng với sự việc xảy ra tại Trường Mầm non tư thục Phương Anh, quận Thủ Đức cần kiểm điểm làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý giáo dục trên địa bàn, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân ngày 20-12 về chấn chỉnh, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ ở các trường, lớp, cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn TP. TP yêu cầu UBND các quận, huyện phải kiểm tra giấy phép thường xuyên, nắm chắc hoạt động của các trường, lớp, nhóm mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình tại địa phương. Đồng thời phối hợp cùng các KCN-KCX dành quỹ đất, nhanh chóng xây dựng các trường mầm non để phục vụ nhu cầu gửi trẻ của công nhân.

 

Nguồn: