Thận trọng với hàng giá rẻ cuối năm

Thứ hai , 23/12/2013, 01:42 GMT+7
     
Một phần do ế ẩm quanh năm hàng hóa tồn đọng, phần khác do thu nhập giảm, nhu cầu tiêu dùng đô thị bão hòa, thị trường hàng hóa giá rẻ đã lựa chọn vùng nông thôn để đổ bộ.

Tại thôn Vĩnh Khê, xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng, trên một đoạn đường ngắn gần chợ Vĩnh có đến 4 xe ôtô từ nội thành về mang theo cơ man hàng hóa. Nhiều nhất là quần áo, áo rét, đồ trẻ em, giày dép, tất mũ... Ngay sau khi đổ hàng xuống vệ đường, những tấm biển được trương lên với thông tin giảm giá 50%. Những chiếc áo phao trông cũng phồng mập nhưng giá 200.000đ, áo phao nữ thời trang, đủ mọi sắc màu 180.000đ/chiếc. Có xe đổ hàng tiêu dùng như xoong nhôm, chậu nhựa, đồ gia dụng cộng với lời rao bằng loa "tất tần tật, tuốt tuồn tuột, chỉ hai mươi ngàn một món đồ".

Một chiếc xe khác toàn hàng thảm trải sàn, thảm chùi chân, khăn mặt, khăn trải bàn treo giá cũng rất bèo: Đơn cử, một tấm thảm 6m2 (2x3m) nhưng chỉ 200.000đ, khăn mặt cỡ trung 10.000đ 2 chiếc, khăn tắm 30.000đ/chiếc. Chiếc ôtô khác thì chuyên giày dép, tất các loại. Thoạt nhìn cũng kiểu cách bắt mắt, giá cũng rất rẻ, 70.000đ đôi giày da pu cao gót, 120.000đ một đôi giày da cổ cao kéo khóa. Phía trong chợ là đội quân xe kéo  long nhong quần đảo khắp chợ với những hàng hóa chủ yếu nhóm vật dụng như nồi cơm điện, bếp ga, bếp từ, dầu rửa chén, dầu ăn, nước mắm, gia vị...

 

Hàng giá rẻ đổ bộ về quê.

 

Qua một tuần thực tế tại các huyện vùng sâu, vùng xa như Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, dọc tuyến QL10 từ Hải Phòng về Thái Bình đều có chung hiện tượng hàng giá rẻ ồ ạt đổ bộ với cách thức chẳng khác gì như ở Vĩnh Khê đã nói trên. Thử liều mua một chai nước rửa chén 5L giá 15.000đ, nhìn kỹ không thấy hạn dùng, người bán hàng nhanh nhẩu: "Nước rửa chén có ăn được đâu mà hạn sử dụng". Nhưng nhìn kỹ thì có dòng chữ HSD 20/10, hai chữ số sau thể hiện năm đã bị tẩy xóa, người bán lại biện bạch: "Hàng xuất khẩu người ta chỉ ghi thế thôi". Tuy nhiên, rất nhiều người dân vùng quê này vẫn tin vào lời giải thích của người bán, người này hò người kia, chẳng mấy chốc đầy một xe nước rửa chén đã vơi bội phần.

Chỗ nào bán quần áo, giày dép cũng đều nói là hàng công ty, hàng Việt Nam chất lượng cao, bán rẻ để... bình ổn thị trường. Nhưng chỉ cần chú ý một chút là biết ngay hàng Trung Quốc giá rẻ, hàng gia công, nhái nhãn mác. Xu hướng tuồn hàng rẻ về nông thôn dịp cuối năm có vẻ như một cách làm ăn mới, kiếm cũng được. Thế nên nhiều tiểu thương lâu nay sống bám tại các chợ, dịp này quay ra gom hàng, mua hoặc thuê xe ôtô tải, bán tải, sắm thêm bộ loa di động dạt về khắp các vùng quê kiếm lời gấp bội so với bán tại các chợ trung tâm thành phố.

Ông Đào Văn Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP Hải Phòng cho biết, trong kế hoạch đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng mới chỉ tập trung vào những thị trường lớn. Nhưng ngay sau đây sẽ có văn bản chỉ đạo các đội QLTT vùng ngoại thành lên kế hoạch kiểm tra hướng đến đối tượng bán hàng lưu động trên. Đặc biệt chú ý đến các trường hợp bán hàng kém phẩm chất, hàng giả nhưng lại lấy mượn danh nghĩa "đưa hàng Tết về nông thôn", "bình ổn giá" "khuyến mại ưu đãi người Việt dùng hàng Việt" để đánh lừa người tiêu dùng. Những trường hợp này nếu phát hiện sẽ xử lý rất nghiêm

Nguồn: