Tổ chức lại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước

Thứ ba , 24/12/2013, 00:56 GMT+7
     
Giảm và bán toàn bộ vốn nhà nước theo nguyên tắc thị trường ở những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối.

18 nhóm giải pháp lớn với nhiều nội dung cụ thể thuộc dự thảo Nghị quyết của Chính phủ (CP) về chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và ngân sách 2014 đã được đưa ra thảo luận tại phiên họp trực tuyến của CP với các tỉnh, thành ngày 23-12.

Huy động vàng phục vụ phát triển

Ở nhóm giải pháp về chính sách tiền tệ, theo trình bày của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, điều hành lãi suất, tỉ giá năm nay tiếp tục phù hợp, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, lưu ý nhiệm vụ bảo đảm giá trị đồng VN, tăng dự trữ ngoại hối. Tiếp tục các biện pháp quản lý để giảm đôla hóa, vàng hóa và có biện pháp huy động nguồn lực từ vàng phục vụ phát triển, đồng thời hạn chế sử dụng biện pháp hành chính với thị trường tiền tệ.

Trong nhiệm vụ ngân sách, trước tình hình thu còn tiếp tục khó khăn, năm tới sẽ cắt giảm tối đa kinh phí hội nghị, hội thảo, công tác nước ngoài, khởi công, khánh thành. Không mua xe công.



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai nghị quyết của Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Với công tác quản lý và phát triển thị trường, các mặt hàng năng lượng gồm điện, than, xăng dầu và dịch vụ công thiết yếu gồm y tế, giáo dục sẽ tiếp tục kiên trì theo cơ chế giá thị trường. Lộ trình thực hiện và mức độ phải phù hợp, có phối hợp với các chính sách liên quan để kiểm soát lạm phát.

Đến 2016 không tăng biên chế

Ở nhóm ba đột phá chiến lược, giải pháp đầu tiên là cải cách thể chế, trong đó phải tập trung triển khai thực hiện Hiến pháp (HP) 2013; rà soát, lập kế hoạch, danh mục các văn bản cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung phù hợp HP. Hoàn thiện cơ sở pháp lý bảo vệ quyền sở hữu của tổ chức kinh tế, nhà đầu tư, người dân. Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc ban hành và triển khai thực hiện các văn bản dưới luật thuộc trách nhiệm của CP.

Cũng trong nhóm nhiệm vụ này, sẽ tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ qua đó rà soát chức năng, quyền hạn của các bộ, địa phương. Chỉ đạo xây dựng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP.HCM, Đà Nẵng; nghiên cứu mô hình chính quyền biển đảo, đặc khu hành chính - kinh tế. Riêng biên chế nhà nước, từ nay đến năm 2016 cơ bản không được tăng thêm. Đồng thời công khai chỉ số cải cách hành chính của bộ, ngành, địa phương.

Dự thảo nghị quyết cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, trong đó Bộ Tư pháp đẩy mạnh triển khai đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư. Thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý, phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền.

Minh bạch hoạt động của DNNN

Trong nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN, năm tới sẽ tổ chức lại một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, giảm và bán toàn bộ vốn nhà nước theo nguyên tắc thị trường ở những DN mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối. Thực hiện công khai, minh bạch kết quả hoạt động của DNNN theo thông lệ quốc tế.

Dự thảo nghị quyết cũng bao quát nhóm nhiệm vụ đối ngoại và hội nhập quốc tế. Theo đó, bên cạnh việc đẩy nhanh đàm phán các hiệp định tự do thương mại, năm nay Bộ Quốc phòng tiếp tục chủ trì, phối hợp với các ngành thực hiện các giải pháp có hiệu quả, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển Đông. Tiếp tục vận động, nỗ lực cùng các nước ASEAN ký Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông với Trung Quốc. Tích cực chuẩn bị tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.

Biển Đông năm qua êm dịu hơn

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đưa ra nhận định như vậy trong phần báo cáo thêm về tình hình bảo vệ chủ quyền. Theo đó, năm 2013, Việt Nam đã cơ bản hoàn tất việc khảo sát vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Kể cả ở những lô dầu khí Trung Quốc tuyên bố mời thầu nhưng nằm trong vùng đặc quyền thì vừa qua các hoạt động của ta vẫn tiến hành bình thường.

Hải quân, cảnh sát biển năm qua được trang bị thêm nhiều tàu thuyền, máy bay đã hỗ trợ được nhiều hơn cho hoạt động của ngư dân trên biển. Đã có trường hợp chỉ một ngư dân gặp nạn cũng có thể điều trực thăng ra cứu. “Chúng ta kiểm soát nhiều hơn, biển “sạch” hơn, tàu nước ngoài vi phạm ít hơn” - bộ trưởng Quốc phòng cho biết.

Tiếp tục củng cố tiềm lực bảo vệ chủ quyền, theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, những tháng tới các tàu ngầm Kilo sẽ cập cảng Việt Nam. Nhiều máy bay, tàu thuyền hiện đại sẽ được trang bị cho hải quân, cảnh sát biển và nhất là lực lượng kiểm ngư để bao quát, kiểm soát tốt hơn vùng biển đặc quyền kinh tế của ta.

TP.HCM kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Tại hội nghị trực tuyến, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành đã ủng hộ các mục tiêu và giải pháp được nêu trong dự thảo nghị quyết của CP. Qua thảo luận, các địa phương cũng góp ý nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Như TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân dẫn ra kinh nghiệm hỗ trợ hơn 1.300 DN trên địa bàn đổi mới công nghệ, nhập thiết bị mới. Qua đó hầu hết các DN đã cải thiện năng lực cạnh tranh. “Đề nghị CP chú trọng, coi đây là một giải pháp thúc đẩy tái cấu trúc DN, có chính sách huy động hệ thống ngân hàng tham gia” - ông Quân nói.

Liên quan đến mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, đại diện TP.HCM cho biết địa phương đang rất thiếu thông tin về cơ hội, thách thức mà các hiệp định thương mại tự do VN đang đàm phán sẽ mở ra. Vì vậy, để chủ động nắm bắt tình hình mới, đề nghị CP hỗ trợ thêm cho các địa phương.

Về cơ sở hạ tầng, ông Lê Hoàng Quân đề nghị CP quan tâm sớm triển khai dự án sân bay Long Thành. “Dự báo trước đây, sân bay Tân Sơn Nhất năm 2015 mới đón 13 triệu lượt khách. Thế nhưng năm 2013 đã đạt tới 20 triệu” - ông cho biết.

 

Nguồn: