10 sự kiện chính trị - xã hội nổi bật nhất năm 2013

Thứ hai , 23/12/2013, 01:02 GMT+7
     
Nhiều sự kiện chính trị, xã hội trong năm 2013 khiến dư luận đặc biệt quan tâm và giới truyền thông tốn không ít giấy mực.
1. ‘Chạy’ biên chế ở thủ đô không dưới 100 triệu đồng

Tại phiên thảo luận về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp của Hà Nội năm 2013, ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã nêu lên vấn nạn chạy biên chế, thi công chức ở thủ đô.
"Tôi xin mách với lãnh đạo quận, huyện rằng Trưởng phòng Nội vụ quận, huyện đang là đầu mối tiếp nhận hồ sơ, nhận tiền 'chạy' của các thí sinh để đỗ công chức, số tiền không dưới 100 triệu đồng. Nói đến điều này là rất đau lòng, nhưng đây là thực trạng đang tồn tại.” – ông Dực phát biểu.

Đề cập đến việc thi tuyển công chức và việc phân cấp quản lý trong việc thi tuyển, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đánh giá, thi công chức mà bộ phận giáo viên chấm bài, thí sinh làm bài không sai một dấu chấm, dấu phẩy trong đáp án, điểm tối đa 100% thì việc thi công chức chất lượng ra sao? Trách nhiệm trong quản lý thi như thế nào?.

Từ phát biểu này của ông Dực, nhiều bài viết, chuyên đề của báo chí xung quanh vấn nạn này đã được đăng tải, thu hút sự quan tâm của dư luận trong năm 2013.

2. Ban nội chính Trung ương: “Cú đấm thép" vào tham nhũng

Ngày 2/1/2013, việc thành lập Ban Nội chính Trung ương chính thức được công bố. Ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng được Bộ Chính trị phân công giữ chức trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Một trong những chức năng của Ban Nội chính là đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án.

Ban Nội chính Trung ương được xác định chức năng là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng.

Sau khi Ban Nội chính được thành lập, nhiều vụ án tham nhũng lớn đã nhanh chóng được đưa ra xét xử. Công tác phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh. Dư luận cho rằng, Ban Nội chính Trung ương sẽ là "cú đấm thép" vào nạn tham nhũng.

3. Xử phạt “xe không chính chủ”

Ngày 15/4, Thông tư 11 của Bộ Công an về "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ" chính thức có hiệu lực. Trong đó, vấn đề nhiều người quan tâm nhất là xử phạt xe không sang tên, cũng bắt đầu được áp dụng.
Theo Khoản 2 Điều 9 Thông tư 11/2013/TT-BCA: Thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự, nếu phát hiện người mua hoặc người bán không làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe (sau đây gọi là mua, bán xe không sang tên) theo quy định tại Thông tư của Bộ Công an quy định về đăng ký xe, thì phải xác minh, xác định rõ hành vi vi phạm: “mua, bán xe không sang tên” và xử phạt trường hợp quá thời gian 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua, bán xe nhưng chưa làm thủ tục sang tên, di chuyển thay đổi đăng ký xe theo quy định.

Quy định xe “không chính chủ” này cũng tốn không ít giấy mực của báo chí, khiến nhiều bộ ngành phải vào cuộc làm rõ tránh gây hoang mang trong dư luận trong gần 1 năm qua.

4. Xây dựng cầu vượt nhẹ qua Đàn Xã Tắc

Nhiều Giáo sư, nhà nghiên cứu sử học đã lên tiếng yêu cầu Hà Nội có phương án bảo tồn Đàn Xã Tắc khi xây cầu vượt qua khu vực này. Suốt nhiều tháng qua, dư luận Thủ đô đã chia làm hai nhánh, một bên thì yêu cầu phải bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc và điều chỉnh lại dự án giao thông; còn một bên thì quyết giữ phương án này xây cầu vượt với cái lý “bảo tồn và phát triển hài hòa” hay “phải nghiêng về bên nào có lợi hơn”. 
Sau nhiều tranh cãi của những chuyên gia, nhà khảo cổ về việc bảo tồn di tích lịch sử này, tại cuộc hội thảo gần đây do UBND Hà Nội tổ chức, trong 4 phương án xây dựng cầu vượt được đưa ra, phương án 4 cầu vượt đi trên vành đai 1 lệch về phía nam, có bổ sung một nhánh đi một chiều từ Khâm Thiên đi qua nút giao Ô Chợ Dừa, nhập vào cầu chính trên vành đai 1 được nhiều nhà khoa học đồng thuận. 

Một số ý kiến cho rằng, phương án này tạo thành chữ Y song cải thiện được không gian, kiến trúc đô thị mà vẫn bảo tồn được Đàn Xã Tắc


5. Mất điện toàn miền Nam

Khoảng 13h40 ngày 22/5, tại đoạn đường dây 500 KV tuyến Di Linh - Tân Định, qua khu vực phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), tài xế điều khiển xe cẩu, cẩu cây dầu cao hơn 10 m tại vườn ươm và để phần ngọn cây dầu đụng vào đường dây 500 KV gây ra một tiếng nổ lớn. Ngay sau đó, toàn bộ khu vực miền Nam bị mất điện.
Ông Đặng Hoàng An, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho biết nguyên nhân mất điện toàn miền Nam là do chiếc xe cẩu gây sự cố phóng điện trên đường dây 500 KV. 
 
Khi sự cố xảy ra, đã gây ra hiệu ứng dây chuyền và rã lưới. Các trạm biến áp tất cả các tỉnh thành phải ngưng phát để hệ thống điều độ quốc gia rà soát, tìm ra điểm xảy ra sự cố. Hệ thống điện bị rã lưới hoàn toàn, nên các tỉnh từ Ninh Thuận, Bình Thuận trở vào đều bị mất điện.

Thông cáo báo chí Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát đi cuối ngày cũng khẳng định, sự cố xảy ra trong lúc truyền tải công suất cao làm mất liên kết hệ thống điện 500 KV Bắc - Nam, gây nhảy tất cả tổ máy phát điện, dẫn tới hệ thống điện miền Nam mất điện toàn bộ (với tổng công suất khoảng 9.400 MW).

Sự việc này đã khiến nhiều tỉnh thành ở miền Nam rơi vào trạng thái trì trệ về giao thông, ảnh hưởng đến kinh doanh và đời sống của người dân, gây lo ngại về an toàn điện lưới, an ninh năng lượng của đất nước.

6. Nick vujicic đến Việt Nam

Ngày 22/5, Nick Vujicic, anh chàng người Úc đã vượt qua hoàn cảnh bất hạnh để sống có ý nghĩa, đã sang Việt Nam diễn thuyết nhằm truyền cảm hứng cho các bạn trẻ. 
 
Sự kiện này đã làm thức tỉnh hàng triệu người Việt Nam trước ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn của chàng trai tật nguyền đầy tài năng này.
“Tôi chưa bao giờ thực sự tàn tật cho đến khi tôi mất hy vọng. Hãy tin tôi đi, mất hy vọng còn tồi tệ hơn cả mất chân tay”, Nick Vujicic chia sẻ với thính giả trong một buổi diễn thuyết. 
 
Lời kêu gọi hãy không ngừng hy vọng của chàng trai người Úc nghe quen thuộc, nhưng vẫn đầy sức nặng ảnh hưởng lên bất cứ ai từng một lần nghe anh diễn thuyết.

Sự bất hạnh, dù có lúc từng khiến Nick đã thử tự tử bằng cách trầm mình xuống bể nước vào năm 10 tuổi, nhìn cách nào đó lại chính là động lực để anh không ngừng làm hết khả năng trong niềm tin những điều tốt đẹp nhất sẽ đến.

Trong những bài học nho nhỏ đầu đời để tự chăm sóc lấy bản thân, anh tập cách chuyển động đôi vai và hai ngón chân của bàn chân trái rất ngắn, để đánh răng, uống nước, chải tóc, trả lời điện thoại…
 
Với nhận thức “cuộc sống là nồi thịt hầm, bạn là đôi đũa và hãy mạnh dạn khuấy nó lên”, Nick phá vỡ giới hạn của mình bằng cách tập cả những môn thể thao như bóng đá, trượt nước, nhảy cầu, lái cano…

7. Cháy cây xăng lịch sử ở Hà Nội

Chiều 3/6, đã xảy ra vụ hỏa hoạn tại cây xăng quân đội trên đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Lãnh đạo lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội nhận định đây là vụ cháy lớn nhất trong lịch sử thủ đô.
Theo đó, trong quá trình bơm từ xe téc vào bể chứa xăng đã bị rò rỉ và chảy xuống rãnh nước bên đường, qua quán sửa xe và quán cơm thì gặp bếp than tổ ong đang nóng nên đã bắt lửa, cháy ngược lại phía xe chở xăng và làm lửa nhanh chóng bao trùm lên xe.

Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Sở CS PCCC đã huy động 15 xe cứu hỏa của các lực lượng trong Sở, phối hợp với xe cứu hỏa của Bộ Tư lệnh thủ đô để chữa cháy.     

Ngoài ra, đơn vị đã phải huy động 32 xe chở cát để chặn lửa, không cho cháy lây lan; đồng thời dùng ống hút đặt trên mặt đường để ngăn chặn không cho xăng chảy xuống hệ thống cống ngầm của thành phố.

Trong nền nhiệt độ cao, bột phun vào sẽ bị phân huỷ, không phát huy tác dụng. Do đó, phải phun nước giảm nhiệt xuống nhiệt độ thích hợp thì mới phun bọt. Trong vòng gần 5 giờ đồng hồ, tổng cộng khoảng 600 khối nước đã được phun liên tục.

8. Thuyền trưởng "liệt sỹ" trở về

40 năm phiêu dạt xứ người, ai ngờ vị thuyền trưởng ngày nào đến cái tên mình còn không nhớ lại có ngày đoàn tụ bên người thân, xóm làng.
Câu chuyện về người “liệt sỹ” trở về sau 40 năm báo tử được lan truyền khắp huyện Tiên Lãng (Hải Phòng). Những người trong làng, trong xã gọi vui ông là "liệt sỹ 4 không”: Không vợ, không con, không tài sản và không chế độ. 
 
Ông là Phan Hữu Được (SN 1949), người đã tự ý đổi tên thành Phạm Văn Được và khai tăng 2 tuổi để được nhập ngũ. Ông trở về nhà khi mang trên mình nhiều chứng tích của chiến tranh, bom đạn.

Sau khi nhiều cơ quan báo chí thông tin, sự trở về của ông Được đã được dư luận hết sức quan tâm. Chính phủ, Bộ ban ngành trung ương và cơ quan chức năng địa phương đã chỉ đạo giúp đỡ ông Được chăm sóc sức khỏe, đảm bảo chế độ cho ông.

9. Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời

Chiều 4/10, Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp qua đời tại Viện quân y 108 ở tuổi 103.
Với tài năng quân sự thiên bẩm và lòng nhân ái, từ một thầy giáo dạy lịch sử, Võ Nguyên Giáp trở thành Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và thực dân Pháp của dân tộc. Đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ, ghi một trang vàng chói lọi trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Qua đời ở tuổi 103 do tuổi cao, sức yếu, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh cả của Lực lượng vũ trang Việt Nam, vị tướng tài ba lỗi lạc đã và sẽ còn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam và nhân dân yêu hòa bình trên thế giới, như một biểu tượng về thiên tài quân sự, về lòng nhân ái và yêu thương con người.

Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khiến hàng triệu trái tim người dân Việt Nam bàng hoàng, thổn thức. Nhiều quốc gia trên thế giới đã vinh danh ông là một trong 10 vị tướng huyền thoại trong lịch sử thế giới.

10. Quốc hội thông qua Hiến pháp 

Ngày 28/11, với 486/488 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, chiếm 97,59% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua toàn văn Hiến pháp (sửa đổi).

Sau đó, nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp (sửa đổi) cũng được Quốc hội thông qua với tỉ lệ tán thành tuyệt đối trên số đại biểu có mặt: 491/491.
Hiến pháp (sửa đổi) gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014. Về cơ bản, Hiến pháp (sửa đổi) kế thừa nhiều nội dung của Hiến pháp năm 1992. Theo các chuyên gia và đại biểu Quốc hội, điểm mới đáng chú ý nhất trong bản hiến văn mới này là nguyên tắc kiểm soát quyền lực. 

Từ “kiểm soát” hoàn toàn mới so với Hiến pháp năm 1992 được bổ sung tại khoản 3, điều 2: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. 
 
Tại điều 4, ngoài các nội dung về bản chất của Đảng, khẳng định Đảng Cộng sản VN “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” như Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp (sửa đổi) đã bổ sung quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Tại điều 6, bổ sung quy định: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp...”.

Một trong những điểm nhấn quan trọng nữa là Hiến pháp (sửa đổi) đã dành riêng một chương để quy định về quyền con người, quyền công dân ngay sau chương quy định về chế độ chính trị. Theo đó, các quyền cơ bản như “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình” tiếp tục được khẳng định và quy định “việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Hiến pháp (sửa đổi) cũng thể hiện rõ hơn, cụ thể hơn vai trò của Chủ tịch nước, đặc biệt là trong việc thống lĩnh lực lượng vũ trang. Khoản 5 điều 88 quy định Chủ tịch nước “Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức tổng tham mưu trưởng, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam...”. Hoặc trong quan hệ với Chính phủ, điều 90 quy định: “Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước”.
Nguồn: