Công an TP.HCM: Siết xử lý tin báo, tấn công mạnh băng nhóm

Thứ hai , 23/12/2013, 01:18 GMT+7
     
Công an sẽ sử dụng mọi biện pháp để bảo đảm cuộc sống an bình cho dân, không chạy theo thành tích.

“Năm 2014, Công an TP.HCM triển khai nhiều biện pháp đấu tranh tội phạm, kéo giảm tội phạm trộm cắp, tội phạm có tổ chức… bảo đảm cuộc sống an bình cho người dân. Đồng thời công an triển khai nhiều biện pháp nhằm tránh việc chạy theo thành tích mà không chủ động tấn công tội phạm tại các đơn vị…” - Đại tá Lê Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Công an TP.HCM, cho biết như trên tại cuộc họp báo chiều 20-12.

Tập trung chống trộm cắp, băng nhóm

Đại tá Lê Anh Tuấn cho biết trong năm TP xảy ra 6.218 vụ phạm pháp hình sự, làm chết 133 người, bị thương 758 người, thiệt hại tài sản khoảng 90 tỉ đồng. Tỉ lệ phá án là hơn 65%. Với tội phạm có tổ chức, băng nhóm, công an đã khám phá 504 băng nhóm, bắt hơn 1.000 đối tượng cướp giật, trộm cắp, tiêu thụ tài sản…

Theo ông Tuấn, tội phạm trộm cắp tăng mạnh (chiếm hơn 53%). Có nhiều nguyên nhân, trong đó có công tác tuyên truyền cho người dân phòng ngừa chung là chưa đạt, công tác kiểm tra, tuần tra nắm tình hình tại cơ sở của công an địa phương chưa tốt.

Để đẩy lùi loại tội phạm này, trong năm 2014, công an sẽ tấn công mạnh vào khâu tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có, tài sản bất hợp pháp. Trước, trong và sau tết, công an sẽ tập trung triệt phá các băng ổ nhóm lưu manh, xâm phạm sở hữu tài sản trên đường phố, nơi công cộng và các băng nhóm đâm thuê chém mướn đòi nợ thuê.



Đại tá Lê Anh Tuấn (đứng) tại buổi họp báo chiều 20-12. Ảnh: HT

Cảnh sát kinh tế cũng đánh mạnh các loại tội phạm sản xuất hàng gian, hàng giả, nhất là trong lĩnh vực thực phẩm đã chế biến. Đồng thời đó là tăng cường kiểm tra hành chính đối với các dịch vụ nhạy cảm, tệ nạn cờ bạc đảm bảo trật tự an toàn các lễ hội, sự kiện chính trị, văn hóa.

Nhận định tình hình tội phạm trong năm 2014, Đại tá Lê Anh Tuấn thông tin các tội trộm cắp, cướp giật, đòi nợ thuê,… vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng hồi gia thiếu việc làm, người nghiện được điều trị tại gia… khiến cho nguy cơ các đối tượng này gây án gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng của người dân tăng lên do họ sử dụng ma túy bị loạn thần…

Siết việc xử lý tin tố giác

“Ngoài các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, Công an TP.HCM cũng xây dựng, triển khai quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm chặt chẽ, bảo đảm tỉ lệ xử lý tin báo đạt trên 90%...” - ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, một hạn chế nữa là các đơn vị chạy theo thành tích nên thiếu chủ động kiểm tra xử lý sai phạm của cán bộ thuộc quyền và tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm của người dân.

Theo báo cáo, trong năm 2013 các đơn vị, lực lượng như CSGT, công an quận, huyện, quản lý hành chính… đã chủ động phát hiện sai phạm của các cán bộ, chiến sĩ đơn vị mình, bước đầu đã khống chế nhiều sai phạm trong lực lượng. Trong năm 2013 Phòng CSGT đã cắt thi đua đối với hơn 200 trường hợp vi phạm kỷ luật và vi phạm quy trình làm nhiệm vụ.

“Trong năm 2014, nếu đơn vị nào sai phạm mà chỉ huy không biết, bị báo chí, thanh tra, kiểm tra ngành… phát hiện thì sẽ bị xử lý nặng. Ngay trong quý I năm 2014, Công an TP.HCM triển khai quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm với mục tiêu xử lý đạt 90% tổng số tin báo, đồng thời sẽ chú trọng xử lý nghiêm cán bộ tiếp nhận, xử lý tin báo lơ là khiến tính mạng, sức khỏe người dân bị xâm hại…” - Đại tá Tuấn khẳng định.

Nhắc lại cái chết thương tâm của cô gái LTTH (ngụ Bình Thạnh) bị người yêu chém chết dù đã nhiều lần trình báo công an các cấp, ông Tuấn nói: Đó là sự việc đáng tiếc khiến Công an TP phải đánh giá, rà soát và ban hành quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo chặt chẽ kèm chế tài nặng hơn để nâng cao trách nhiệm của cán bộ công an.

Đình chỉ nhiều công an trong vụ cô gái bị người yêu chém chết

Liên quan đến vụ Đặng Văn Khuyến chém chết chị LTTH, người yêu cũ của Khuyến ngày 13-4-2013 tại phường 22, quận Bình Thạnh, hiện một số cán bộ công an liên quan đã bị đình chỉ công tác, chờ sau xử lý vì xử lý tin báo tố giác không đúng.

Trước đó, chị H. đã nhiều lần đến Công an phường 22, Công an phường 25, Công an quận Bình Thạnh và VKS quận trình báo việc bị Khuyến đe dọa giết. Đỉnh điểm là chiều 13-4, chị H. đến Công an phường 22 trình báo và sau khi chị H. ra khỏi trụ sở công an, đã bị Khuyến theo dõi, chuẩn bị mã tấu đuổi chém làm chị tử vong.

Theo Đại tá Lê Anh Tuấn, ngay sau khi sự việc xảy ra, Văn phòng Công an TP phối hợp Thanh tra Bộ Công an thanh tra, làm việc với những cán bộ công an phường, quận Bình Thạnh và phát hiện Công an phường 22, 25 và Công an quận Bình Thạnh xử lý tin báo tố giác không đúng.

________________________________________________

Tôi rất quan tâm đến tình trạng công an thiếu trách nhiệm với xử lý tin báo tội phạm của người dân. Không thể chạy theo báo cáo thành tích mà lơ là tin báo của dân. Lực lượng công an cần siết lại tình trạng trên vì người dân sẽ hoang mang, mất niềm tin vào cán bộ, chính quyền… không thể chấp nhận việc người dân sợ giang hồ, giang hồ không sợ công an.

Phó Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC, phát biểu tại hội nghị sơ kết và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2014  tại TP.HCM ngày 8-12

Công an TP.HCM cần quyết liệt đẩy mạnh công tác tấn công tội phạm, đặc biệt chú trọng tội phạm có tổ chức, giữ vững trật tự xã hội, góp phần phát triển kinh tế của TP nói riêng và cả nước nói chung.

 

Nguồn: