Cuộc gặp mặt sau gần 40 năm

Thứ hai , 23/12/2013, 01:20 GMT+7
     
Nhân kỷ niệm 69 năm ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 24 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân, Đại tá Nguyễn Huy Toàn, Nhà nghiên cứu Tư tưởng - Văn hoá Quân sự đã có bài viết kỷ niệm khó quên sau gần 40 năm chiến tranh đi qua. Chúng tôi xin gởi đến quý vị bạn đọc.

Thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chính quyền Sài Gòn đã lập ra năm nhà tù do Trung ương quản lý, bốn nhà tù cấp tỉnh, 176 nhà tù quận, huyện. Chúng thường xuyên giam cầm 20 vạn người, ngoài ra chúng còn lùa hơn năm triệu đồng bào vào các “ấp chiến lược”, “khu trù mật”, thực chất là các trại tập trung trá hình. Thậm chí trên hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cũng có chỗ giam giữ người. Trong hơn 200 nhà tù, đáng chú ý có nhà tù Côn Đảo và Phú Quốc.

Người tù binh Vũ Minh Tằng chủ động bắt tay Trịnh Văn Nhu - người cai ngục đã bẻ của ông chín cái răng ở nhà tù Phú Quốc

Nhà tù Côn Đảo

Pháp xây từ năm 1862. Nơi đây đã có hơn hai vạn chiến sĩ và đồng bào yêu nước bị đày đọa đến chết, trong đó có các đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh, Võ Thị Sáu. Tháng 4-1975, Côn Đảo còn 7.448 tù nhân, trong đó 4.334 tù chính trị (494 phụ nữ). Do những người lãnh đạo trong tù bí mật nghe đài nên nắm được tình hình chiến sự, đêm 30-4, rạng sáng 1-5, tổ chức Đảng đã chủ động lãnh đạo anh em tù nổi dậy, vừa tranh thủ, vừa khống chế giám thị các trại giam và tìm cách phá ngục thoát ra ngoài rồi thành lập Đảng ủy lâm thời do đồng chí Trịnh Văn Thư (Tám Mô) làm Bí thư, Phan Huy Vân (Trần Trọng Tân) làm Phó Bí thư, Mai Xuân Cống, ủy viên thường vụ, các ủy viên Hoàng Phùng, Huỳnh Bá, Lê Văn Triết, Nguyễn Văn Trấn, Đào Văn Chân, Lê Tam, Lê Quang Ngọc, Sáu Tín, Hai Nhân.

5 giờ sáng ngày 1-5, Đảng ủy lâm thời đã cho thông báo trên toàn đảo về việc thành lập Ủy ban Hòa giải hòa hợp dân tộc. Chủ tịch là linh mục Phạm Gia Thụy, các Phó chủ tịch là trung tá Quân giải phóng miền Nam Lê Cầu, đại úy quân đội Sài Gòn Kiều Văn Dậu (nhưng là người của ta), Tổng thư ký là ông Nguyễn Văn Thành, ủy viên quân sự là ông Lê Viết Thành và trung úy Huỳnh Minh Tuấn.

Trưa 1-5, Đảng ủy đã tổ chức được ba đại đội bộ binh, trang bị đủ vũ khí, có cả súng đại liên và súng máy 12,7 ly để chiếm lĩnh đảo và sẵn sàng chiến đấu. Nhân dân trên đảo vui mừng nhiệt thành ủng hộ. Sáng 4-5, tàu của ta từ đất liền ra đón thì anh em tù chính trị đã làm chủ Côn Đảo.

Nhà tù Phú Quốc

Có từ thời kháng chiến chống Pháp, năm 1953-1954 gọi là “Nhà lao cây dừa”. Năm 1967, chính quyền Sài Gòn mở rộng 500 ha, gồm có 12 trại giam. Năm 1968, ở đây đã có 41.000 tù nhân, trong đó có khoảng 1.500 nữ. Đã có gần 5.000 chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước chết ở đây.

Trong các nhà tù và trại tập trung của chính quyền Sài Gòn, bên cạnh những đòn tra tấn tàn bạo như bẻ răng (hiện nay ba người bị bẻ răng còn sống là: Vũ Minh Tằng, quê Nam Định; Nguyễn Văn Khiên, quê Phú Xuyên; Lê Văn Phùng, quê Thường Tín), mổ bụng (hai người bị mổ bụng hiện nay còn sống là: Vũ Kim ở Bắc Ninh, Phùng Văn Nghi ở Chương Mỹ, Hà Nội), chúng còn khoét mắt, chặt chân tay và giam trong các “chuồng cọp” mà chúng có thể kiểm soát người tù suốt 24 tiếng đồng hồ. Bên cạnh những đòn tra tấn tàn bạo thì còn một đòn tra tấn tinh thần ác liệt nữa là bắt người tù phải từ bỏ lý tưởng cách mạng, xé cờ Tổ quốc, chào cờ của chúng. Đây mới thực sự là cuộc đấu tranh gay go, ác liệt, nó đánh vào tình cảm và lòng tự trọng của người chiến sĩ cách mạng. Cái hèn nhát và sự kiên trung chỉ mỏng manh như sợi chỉ.

Cuộc vượt ngục thần kỳ

Tại nhà tù Phú Quốc, một chuyện xảy ra mà ít người biết. Đó là vào năm 1967, Chi ủy nhà tù A2 quyết định tổ chức vượt ngục bằng cách đào một đường hầm bí mật từ trong lòng trại giam ra khu rừng liền kề dài khoảng hơn 200 mét. Công việc đào hầm được anh em tù thay nhau đào từ tháng 1/1968 đến tháng 12/1969 mới xong. Đất đá được giấu vào các thùng xỉ than của bếp ăn. Khi hoàn thành đường hầm, Chi ủy lúc đó có đồng chí Vũ Văn Doãn và Vũ Văn Ấn đều quê ở Nam Định do Vũ Minh Tằng làm Bí thư tổ chức vượt ngục được gần 100 người. Số anh em này được dân trên đảo giúp đỡ đã về đất liền để tiếp tục cuộc chiến đấu.

Khi tổ chức vượt ngục, Vũ Minh Tằng là người chỉ huy, anh vốn là y sĩ đội phẫu của tiểu đoàn 9 Sư đoàn 320 hoạt động ở vùng bắc Bình Định, nam Quảng Ngãi, đơn vị từng đánh với Lữ đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ và quân Đại Hàn. Ngày 3-9-1967 anh bị bắt, địch đưa ra giam tại trại A2, B2 nhà tù Phú Quốc. Thời gian ở trại A2, Vũ Minh Tằng thường xuyên chăm lo sức khoẻ cho các bạn tù, nhất là những người bị đánh đòn, bị ốm đau, ông lại biết châm cứu, bấm huyệt nên được anh em yêu mến. Các đảng viên trong trại đã bầu ông làm Bí thư. Ông trở thành trung tâm đoàn kết và là chỗ dựa tinh thần cho anh em trong các cuộc đấu tranh chống sự đàn áp của kẻ thù và đòi cải thiện điều kiện sống. Là người chỉ huy, ông ra sau cùng nhưng bị lộ nên bị bắt lại. Địch biết Tằng là người tổ chức cuộc vượt ngục nên chúng đánh đập rất dã man.

Trịnh Văn Nhu (Bảy Nhu) lúc đó là cai ngục rất tàn ác, hắn đánh tù nhân bằng ống tuýp sắt thường gọi là “gậy biệt ly” và vồ gỗ gọi là “vồ sầu đời”. Hắn từng bẻ răng người tù, vì tức tối ông Tằng tổ chức vượt ngục, hắn đã bẻ của ông một buổi tối chín cái răng, bắt ông phải nuốt cả răng và máu của mình vào trong bụng. Những ngày sau đó, cứ mỗi lần đi vệ sinh, ông Tằng tìm lại răng của mình, nhưng chỉ thấy có tám cái, ông giữ nó như một vật lưu niệm của cuộc đời. Khi đi bộ đội, ông là một thanh niên đẹp trai, nặng 54 kg, có vợ và một con gái ba tuổi, vợ đang mang bầu. Khi được trao trả tù binh, ông Tằng chỉ còn 23 kg. Gần 40 năm qua, vì răng bị rụng hết, bà vợ thường phải cho ông ăn cháo, khi thèm cơm thì bà phải bón cơm cho ông. Vậy mà ông chỉ được hưởng chế độ bệnh binh 2, tăng phụ cấp nhiều lần, bây giờ mới được 1,3 triệu đồng/tháng. Tháng 7-2010, qua bài báo và ảnh của phóng viên Đỗ Doãn Hoàng, trên báo Dân trí điện tử đã làm nhiều người xúc động, hai người ở thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Ngãi đã giúp ông Tằng bộ răng giả trị giá hơn 30 triệu đồng, báo Dân trítặng ông một xe lăn và hai triệu đồng. Ông Nguyễn Chí Sĩ, Giám đốc Tổng công ty Hasinco Hà Nội đã vận động cán bộ công nhân viên đóng góp rồi về Nam Định thăm gia đình ông và giúp ông 20 triệu đồng để sửa nhà.

Cuộc trùng phùng lịch sử

Ban liên lạc nhà tù Phú Quốc đã đề nghị với Ban Bí thư, xét tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng cho các chiến sĩ nhà tù Phú Quốc, phong tặng anh hùng cho một số người tiêu biểu, đồng thời viết lịch sử đấu tranh của các chiến sĩ ta ở nhà tù này.

Khi biết tin tay coi ngục Trịnh Văn Nhu đang sống ở Phú Quốc, tôi cùng với Nguyễn Chí Sĩ và nhà báo Đỗ Doãn Hoàng tổ chức đưa ông Tằng đi Phú Quốc để gặp lại tay Nhu. Trịnh Văn Nhu (Bảy Nhu) sau khi giải phóng miền Nam đi cải tạo một thời gian rồi về sống tại Phú Quốc, ông ta có năm con gái, một con trai. Con gái lấy chồng ở các địa phương khác, con trai ở với Nhu. Năm 1980, anh ta bị vấp mìn cụt một chân (mìn do bọn phản động gài để cảnh cáo thái độ của Nhu đã giúp cán bộ cách mạng tìm hài cốt ở các trại giam).

Khi chúng tôi tổ chức cho ông Tằng đi Phú Quốc để gặp Nhu, một người tù binh và một người cai ngục, một người tù bị bẻ răng và kẻ đã bẻ răng người ấy, hai đối thủ gặp nhau. Trong cuộc gặp đó, mặc dù chúng tôi đã làm công tác tư tưởng cho ông Tằng, nhưng khi hai đối thủ gặp nhau, ông Tằng vẫn không dấu nổi cảm xúc, đến nỗi người cai ngục xưa phải nói: “Tôi có lỗi, nhưng lúc đó tôi cũng chỉ là chó săn thôi! Đầu tôi, ngực tôi đây, ông có đấm tôi cái nào thì đấm”. Nhưng rồi với tư cách của người chiến thắng và ý nghĩa hòa hợp dân tộc, ông Tằng đã giơ tay ra trước và hai đối thủ năm xưa đã bắt tay nhau. Cái bắt tay lịch sử, tiếp nối truyền thống ông cha ta từng đối xử nhân đạo với kẻ thù.

Tháng 10-2006, ông Nguyễn Văn Bàng, một người tù ở Phú Quốc đã đứng ra tổ chức nhà bảo tàng “Chứng tích nhà tù Phú Quốc” ở Phú Xuyên, Hà Nội. Ông và đồng đội tự quản và đã thu thập được hơn 2.000 hiện vật là những chứng tích của nhà tù Phú Quốc, trong đó có tám cái răng của ông Vũ Minh Tằng. Được địa phương giúp đỡ, Bảo tàng Phú Xuyên đã tổ chức 20 lần đi trưng bày nhiều nơi trong nước. Anh em ở nhà tù Phú Quốc khi gặp nhau mà có ăn uống, bao giờ cũng để riêng một bát thức ăn đủ các món trong mâm và đôi đũa để tưởng nhớ các bạn tù. 

Người viết những dòng này hy vọng rằng sau gần 40 năm kết thúc chiến tranh mỗi người Việt Nam nên xóa bỏ hận thù, mặc cảm, cùng nhau xây dựng Tổ quốc dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ - công bằng - văn minh. 

Nguồn: