Giải quyết lũng đoạn ngân hàng bằng pháp luật

Thứ hai , 23/12/2013, 01:16 GMT+7
     
Ngân hàng Nhà nước cần phải tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp luật để tạo thuận lợi cho các ngân hàng hoạt động công khai, minh bạch, hiệu quả. Đồng thời ngăn ngừa những sai trái để hạn chế thiệt hại.

Đó là phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi nói đến câu chuyện sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng (NH), tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 2014 của ngành NH, ngày 18-12.

Thành tích lớn và những vụ án lớn

Đánh giá cao những nỗ lực của ngành NH và vai trò của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ năm qua nhưng Thủ tướng cũng đã chỉ ra những hạn chế của ngành trong năm 2013. Đó là lạm phát được kiểm soát nhưng chưa vững chắc; khả năng huy động và tiếp cận vốn tín dụng của một bộ phận doanh nghiệp còn hạn chế; hoạt động của một số tổ chức tín dụng chưa thật an toàn, vẫn còn tiềm ẩn rủi ro mất an toàn thanh khoản. Đặc biệt là tình trạng sở hữu chéo, lũng đoạn hệ thống NH.

Thủ tướng nhấn mạnh trong năm qua ngành NH có nhiều thành tích lớn nhưng nhìn lại vẫn có những vụ án cũng lớn như Công ty Cho thuê Tài chính II, Ngân hàng ACB, vụ Huỳnh Thị Huyền Như,… “Những NH còn yếu kém, khó khăn, nếu không kiên quyết thì sẽ dẫn tới khó khăn. NH nào khó khăn thì tự giác làm đi. Sân sau, sở hữu chéo, làm NH cho công ty mình vay rồi đổ vào bất động sản, rồi hàng đống nợ. Năm ngoái tôi đã nhấn mạnh cái này, năm nay tôi tiếp tục nói. Đó không chỉ là trách nhiệm với mình mà còn là trách nhiệm với xã hội, với nền kinh tế” - Thủ tướng chỉ rõ.



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Pháp luật của chúng ta còn sơ hở quá

Vậy giải quyết vấn đề sở hữu chéo, lũng đoạn NH bằng cách gì? Thủ tướng cho rằng: “Giải quyết bằng văn bản pháp quy chứ bằng cách gì! Ngăn chuyện rút vốn của cổ đông lớn phải bằng luật pháp. Thấy không lành mạnh rồi thì phải ngăn, phải hoàn thiện thể chế. Muốn khắc phục sở hữu chéo, các NH cổ phần đại chúng rồi thì dứt khoát phải đưa lên sàn chứng khoán, giao dịch công khai minh bạch. Nếu đúng thì các đồng chí ban hành văn bản quy định bắt buộc”.

Thủ tướng cũng chia sẻ thêm và đặt câu hỏi qua những vụ án NH vừa xảy ra, chúng ta sơ hở cái gì? “Tôi ngồi nghe công an báo cáo vụ Ngân hàng ACB, tôi thấy bao nhiêu thứ thuộc về văn bản pháp quy của NH”. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu NHNN cần phải tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp luật, để tạo thuận lợi cho các NH hoạt động công khai, minh bạch, hiệu quả. Đồng thời ngăn ngừa những sai trái để hạn chế thiệt hại, bảo vệ cho ngân hàng đó, kết hợp với tăng cường thanh tra giám sát.

Bên cạnh câu chuyện sở hữu chéo, Thủ tướng cũng nhấn mạnh vấn đề tái cơ cấu hệ thống NH cần gắn với giảm nhanh nợ xấu. Các NHTM phải tự mình xử lý nợ xấu. Công ty Quản lý Tài sản VAMC phải đẩy mạnh giảm nhanh nợ xấu để lành mạnh được hệ thống, đảm bảo thanh khoản, hỗ trợ thúc đẩy hồi phục nền kinh tế.

Dẫn chứng về con số nợ xấu, Thủ tướng cho biết nợ xấu theo báo cáo chỉ khoảng 4,6% nhưng theo các tiêu chí giám sát thì khoảng 8%. Trong khi đó IMF và WB nói khoảng 7%. Do đó, để đưa về mục tiêu 2%-3% vào năm 2015 thì còn nặng nề, còn khó khăn lắm. “Kết quả là vậy nhưng hệ thống NH đã an toàn, lành mạnh chưa, còn khả năng đổ vỡ hay không? Tôi thấy cái này là vẫn còn đấy” - Thủ tướng nhìn nhận.

Nhà nước tiếp tục độc quyền xuất nhập vàng

Liên quan đến thị trường vàng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận thành công bước đầu về quản lý thị trường vàng đúng hướng theo Nghị định 24 và yêu cầu NHNN dứt khoát phải độc quyền xuất nhập khẩu vàng. “Có rất nhiều sức ép nói này nói khác nhưng tôi nói với thống đốc là Chính phủ phải kiên quyết cái này, Nhà nước phải độc quyền xuất nhập khẩu. Các NH dứt khoát không được huy động và cho vay vàng” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu không để thị trường vàng làm ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô, tác động đến tỉ giá, lãi suất. Trong năm 2014 NHNN nghiên cứu đưa ra phương án để huy động nguồn lực vàng tích trữ trong dân trở thành nguồn vốn đầu tư phát triển cho xã hội.

 

Nguồn: