Thi tuyển cạnh tranh tìm lãnh đạo giỏi

Thứ hai , 23/12/2013, 01:19 GMT+7
     
Đối tượng thi tuyển không bó hẹp trong nguồn cán bộ quy hoạch.

Sáng 20-12, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 của ngành nội vụ. Tại hội nghị này, một số bộ, ngành và địa phương cho hay đang xúc tiến và đẩy mạnh việc thí điểm phương thức thi tuyển cạnh tranh các chức danh lãnh đạo, quản lý (cấp phòng ở tỉnh, thành phố và cấp vụ ở các bộ, ngành trung ương). Đây được xem là phương thức để tìm kiếm nhân tài, nâng cao năng lực cho các vị trí lãnh đạo, quản lý mà trung ương đã mở đường để thực hiện.

Bộ Tư pháp thi tuyển vụ trưởng

Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp Phan Thị Hồng Hà cho biết Bộ Tư pháp đang tiến hành thi tuyển cạnh tranh ba vị trí gồm: một vị trí cấp vụ trưởng, một vị trí cấp vụ phó và một lãnh đạo cấp phòng. So với quy trình bổ nhiệm truyền thống thì hình thức thi tuyển cạnh tranh mang đến nhiều điểm mới. Cụ thể là đề án quy định số dư ít nhất cho mỗi vị trí cần tuyển là một, điều này tạo ra sự cạnh tranh giữa các ứng viên để tìm kiếm người có năng lực tốt hơn. “Đối tượng thi tuyển không bó hẹp trong nguồn cán bộ quy hoạch mà mở rộng cả người ngoài diện quy hoạch ở trong ngành và cả ngoài ngành; người lao động ở các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị-xã hội, bộ phận pháp chế của các bộ, ngành khác...” - bà Hà cho hay.

Sát hạch kỹ năng trong một cuộc thi tuyển công chức. (Ảnh có tính minh họa) Ảnh: dantri.com

Theo bà Hà, điều kiện dự tuyển cũng rất rộng mở, nếu ai chưa có trình độ về lý luận hay quản lý nhà nước thì sẽ cho nợ, nếu trúng tuyển thì sẽ hoàn thiện những tiêu chuẩn đó. Điều này nhằm mở rộng đối tượng tham gia để thu hút người có năng lực vào các vị trí trên. Song song đó, đề án của Bộ Tư pháp cũng đột phá trong quy trình, cách thức lựa chọn cán bộ để bổ nhiệm, dựa trên kết quả chấm điểm một cách khách quan nhất. “Hội đồng thi sẽ ra đề tài trên cơ sở yêu cầu công tác của vị trí đó và bám sát với yêu cầu của thực tiễn cho tất cả thí sinh. Phần viết chuẩn bị cho các thí sinh chỉ là 20 điểm, trong khi đó phần thuyết trình bảo vệ đề tài và phần trả lời tình huống - hai phần chính để đánh giá năng lực, phẩm chất của cán bộ - sẽ chiếm tới 40 điểm mỗi phần” - bà Hà cho biết thêm.

TP.HCM vẫn phải chờ

Trao đổi thêm với Pháp Luật TP.HCM bên lề đầu cầu TP.HCM, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Lê Hoài Trung cho biết hiện Sở đã trình UBND TP đề án thí điểm thi tuyển cạnh tranh cấp trưởng, phó phòng của sở, ngành và UBND quận, huyện và đang chờ UBND TP phê duyệt. Theo ông Trung, đề án này cũng thể hiện rõ các yếu tố cạnh tranh (số dư ít nhất là một ứng viên) cũng như việc công khai, minh bạch. Nội dung thi tuyển, ngoài kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức chuyên ngành, thí sinh sẽ trải qua phần thi trình bày đề án “ở vị trí đó anh sẽ làm gì” trước hội đồng thi tuyển. Người nào trúng tuyển thì sẽ được bổ nhiệm, trước khi được bổ nhiệm có thể sẽ cho đi học một khóa để thực hiện nhiệm vụ đó.

“Trước mắt Sở trình UBND TP đề án thi tuyển ở các chức vụ cấp trưởng, phó phòng của sở, ngành quận, huyện. Nếu được chấp nhận đưa vào thực hiện, dần có kinh nghiệm thì sẽ nâng lên thi tuyển cạnh tranh các chức vụ ở cấp cao hơn. Tất nhiên quá trình thực hiện việc này luôn đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ” - ông Trung cho hay.

Được biết TP.HCM là một trong những nơi đi đầu trong việc nghiên cứu phương thức thi tuyển cạnh tranh và đã từng có một đề án về vấn đề này được trình lên lãnh đạo TP những năm trước đây. Tuy nhiên, đến nay các địa phương khác như Quảng Ninh, Đà Nẵng... đã mạnh dạn triển khai thì TP vẫn đang chờ xét duyệt.

Nguồn: