Tìm giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển

Thứ hai , 23/12/2013, 01:35 GMT+7
     
Ngày 22-12, tại Khu du lịch sinh thái Sao Việt (Phú Yên), Ủy ban Kinh tế Quốc hội (QH) phối hợp với Bộ NN-PTNT, Tỉnh ủy Phú Yên và Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức hội thảo các giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển.

Hội thảo nhằm đánh giá toàn diện việc ban hành và thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ ngư dân trong phát triển kinh tế biển, qua đó đúc kết những kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới, làm tiền đề thực hiện thành công Nghị quyết của Đảng và Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Tham dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí Ủy viên BCH T.Ư Đảng: Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH; Đào Tấn Lộc, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí Thư tỉnh ủy Phú Yên, cùng hơn 200 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành T.Ư, địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, ngư dân…

Theo Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống 83 cảng cá đáp ứng khoảng 82.000 tàu cập cảng, đã và đang xây dựng 65 khu neo đậu tránh trú bão, từ năm 1997 đến nay, Chính Phủ đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân. Nhờ đó, giúp ngư dân phát triển tàu công suất từ 90 mã lực trở lên đến nay được trên 28.000 chiếc, chiếm gần 24% số tàu cá cả nước. Năm 2012, sản lượng hải sản khai thác đạt 2,63 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu gần 2,2 tỷ USD… Nghề cá đã tạo sinh kế và việc làm cho trên 4 triệu lao dộng, từng bước nâng cao đời sống người dân và góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo của tổ quốc.

Tuy nhiên, việc hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, đời sống ngư dân còn bấp bênh và thiếu ổn định. Như đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ; chính sách hỗ trợ phát triển tàu cá chỉ cho vay đóng tàu mà chưa tính đến cho vay để mua sắm ngư lưới cụ và trang thiết bị trên tàu; chưa quan tâm đào tạo thuyền trưởng, thuyền viên có thể đảm nhận vận hành, sử dụng phương tiện công suất lớn, hiện đại; mức hỗ trợ chưa đáp ứng được so với nhu cầu của ngư dân.

Hội thảo tập trung thảo luận, kiến nghị các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới là việc hỗ trợ cho ngư dân cần tập trung vào mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm hải sản, khuyến khích đánh bắt xa bờ; tập trung đầu tư cho các ngành hải sản mũi nhọn theo từng khu vực để tăng giá trị sản phẩm cũng như xuất khẩu; điều chỉnh lại các chính sách hỗ trợ cho ngư dân khi gặp thiên tai trên biển; đề xuất Chính Phủ sớm đầu tư xây dựng năm Trung tâm nghề cá khu vực theo quy hoạch tại các địa phương Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Vũng Tàu và Kiên Giang.

Mỗi trung tâm này gồm có cảng cá, dịch vụ hậu cần; nhà máy chế biến, cơ sở đào tạo nguồn lực cho kinh tế biển… Ngoài nghiệp đoàn nghề cá đang được thực hiện thí điểm tại các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Kiên Giang và Ninh Thuận, các địa phương cần thành lập các tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển, hình thành mô hình thu mua, vận chuyển và dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển để rút ngắn thời gian bảo quản và sớm đưa sản phẩm vào bờ.

Nguồn: