7 thông tin kinh tế nổi bật tuần qua

Thứ hai , 23/12/2013, 01:40 GMT+7
     
Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong kỳ 1 tháng 12 (từ ngày 01/12 đến 15/12) đạt 10,59 tỷ USD, giảm 9,4% so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 11/2013.

Giá xăng tăng gần 600 đồng/lít

Từ 14h00 chiều ngày 18/12, doanh nghiệp được phép điều chỉnh tăng giá bán lẻ tối đa 584 đồng/lít. Một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội trong khi đó cho biết họ cũng vừa nhận được thông báo sẽ điều chỉnh tăng giá xăng 500 đồng/lít.

Trước đó, giá xăng dầu thế giới tháng 11 và tháng 12 lên cao, với giá cao sở cao hơn nhiều so với giá bán lẻ  song hai lần vào ngày 26/11 và ngày 5/12, Liên bộ Tài chính Công thương đã phải cho phép các doanh nghiệp tăng mức trích quỹ bình ổn để giữ giá ổn định nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Giá xăng dầu tăng chiều nay sau khi Bộ Tài chính có văn bản cho phép các doanh nghiệp được điều chỉnh:

+ Mặt hàng xăng: tăng tối đa 584 đồng/lít;

+ Mặt hàng dầu điêzen: tăng tối đa 653 đồng/lít;

+ Mặt hàng dầu hỏa: tăng tối đa 384 đồng/lít.

+ Mặt hàng dầu madut: có giá cơ sở thấp hơn giá bán hiện hành 109 đồng/kg. Chênh lệch không lớn do đó trước mắt giữ ổn định giá bán mặt hàng này như hiện hành.

Việt Nam sẽ có hơn 30 triệu người trung lưu giàu có

Công ty Tư vấn Boston (BCG) vừa công bố khảo sát cho biết, tầng lớp trung lưu và giàu có tại Việt Nam và Myanmar sẽ gia tăng gấp đôi từ nay đến năm 2020. Theo đó, tới năm 2020, Việt Nam sẽ có hơn 30 triệu người tiêu thụ thuộc tầng lớp trung lưu-giàu có, và số này ở Myanmar sẽ là 10 triệu người.

Theo khảo sát, nhóm trung lưu ở Việt Nam và Myanmar cũng nằm trong nhóm lạc quan nhất trên thế giới, hơn cả các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia...

Vừa qua, phát biểu tại Diễn đàn Quan hệ Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định kinh tế Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, đang phục hồi tăng trưởng và hướng tới tốc độ tăng trưởng cao hơn.

Với mức tăng GDP đạt 5,4% trong năm 2013 (trung bình 3 năm là 5,6%), quy mô kinh tế hiện tại của Việt Nam hiện đạt gần 176 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.960 USD.

Như vậy, so với mức thu nhập 1.600 USD được Thủ tướng thông báo tại Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) 2012, thu nhập của người Việt Nam đã tăng gần 23% trong một năm và nhiều khả năng hoàn thành sớm mục tiêu đạt 2.000 USD vào năm 2015.

Hà Nội: CPI tháng 12 tăng 0,35% so với tháng trước

Theo Thống kê Hà Nôi, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2013 tăng 0,35 % so với tháng trước. Tính chung cả năm 2013, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 6,37% so với năm trước, bình quân 1 tháng trong năm tăng 0,57%.

Tháng này có 1/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm là nhóm giao thông (giảm 0,23%). Nhóm bưu chính, viễn thông không tăng. Nhóm hàng có chỉ số tăng cao nhất là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng, tăng 2,5% do giá gas tăng mạnh.

Các nhóm hàng còn lại có chỉ số tăng nhưng mức tăng không đáng kể, cụ thể: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,03%; đồ uống, thuốc lá tăng 0,21%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,7%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,28%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,1%; giáo dục tăng 0,01%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,2%...

Theo đánh giá, năm 2013, tình hình giá cả thị trường đã hạ nhiệt hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, và đặc biệt đã có 3 tháng có chỉ số giảm. So với tháng trước, tháng 3 giảm 0,21%, tháng 4 giảm 0,15%, tháng 5 giảm 0,22%.

CPI TP.HCM tháng 12 tăng 0,39% so với tháng 11

Theo tin từ Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 khu vực Tp.HCM tăng 0,39% so với tháng 11/2013. Sau tháng 9 biến động đột biến, CPI tăng 3,31% so với tháng 8/2013, CPI Tp.HCM nhìn chung có xu hướng giảm dần vào những tháng cuối năm.

Khác với chỉ số giá toàn quốc, mức tăng giá của nhóm dịch vụ ăn uống Tp.HCM thấp hơn mức bình quân chung, trong tháng 12 tăng 0,23% so với tháng trước đó. Trong đó, lương thực là nhóm tăng mạnh nhất, 0,6%, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng không đáng kể, 0,08%.

Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng đã có một tháng tăng trưởng mạnh, đạt 2,91% so với tháng 11Đây cũng là nhóm hàng hóa dịch vụ duy nhất tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của "rổ" tính giá.

4 nhóm hàng hóa giảm giá trong tháng 12 là Dược phẩm và dịch vụ y tế, Đi lại và bưu điện, Văn hóa và giải trí, Hàng hóa và dịch vụ khác. Mức giảm từ 0,02% đến 0,34%.

Như vậy, tính bình quân năm 2013, CPI Tp.HCM tăng 3,67% so với 2012. 

Bình Dương: GDP năm 2013 tăng 12,8%

Tại kỳ họp thứ 10 - HĐND tỉnh khóa VIII, UBND tỉnh Bình Dương chính thức công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội toàn tỉnh năm 2013.

Theo báo cáo, năm 2013 tỉnh Bình Dương đã đạt và vượt một số các chỉ tiêu kinh tế xã hội so với kế hoạch đề ra.

Cụ thể, tổng sản phẩm GDP của tỉnh đạt 12,8%. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 162.177 tỷ đồng, tăng 15,1%, trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,6%, chiếm 68,7% và khu vực kinh tế trong nước tăng 13,9%, chiếm 31,3%.

Về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, toàn tỉnh ước đạt 89.544 tỷ đồng, tăng 24,3% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,79%.

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 15 tỷ USD, tăng 15,7%. Trong đó, nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm: dệt may, giày dép, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm bằng gỗ, mủ cao su, điện tử… Kim ngạch nhập khẩu ước tính khoảng gần 12 tỷ USD, tăng 16,5%.

Năm 2014 dự toán bội chi ngân sách khoảng 5,3% GDP

Bộ Tài chính vừa có quyết định về việc công bố công khai số liệu dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.

Theo đó, dự toán bội chi ngân sách năm 2014 do cơ quan này đưa ra là 224.000 tỷ đồng, bằng 5,3% GDP. Tổng thu cân đối ngân sách năm 2014 là 782.700 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa chiếm 539.000 tỷ, từ dầu thô 85.200 tỷ, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 154.000 tỷ và thu viện trợ là 4.500 tỷ.

Bên cạnh đó, mức chi dự toán được đưa ra là 1,0067 triệu tỷ đồng.Trong đó, mức chi đối với từng hạng mục như sau:

Về cân đối thu chi dự toán ngân sách Trung ương, Bộ Tài chính dự toán đạt mức thu đạt khoảng495.189 tỷ đồng; chi 719.189 tỷ. Vay bù đắp bội chi ngân sách là 224.000 tỷ.Ngân sách địa phương dự thu khoảng 499.096 tỷ đồng, chi 499.096 tỷ đồng.

Năm 2013, kế hoạch bội chi ngân sách được Quốc hội đề ra vào đầu kỳ là 4,8% GDP. Tuy nhiên, sau đó đến cuối năm Chính phủ đề xuất nới trần bội chi lên 5,3% GDP để tạo thêm dư địa tăng đầu tư phát triển trong bối cảnh ngân sách khó khăn.

Tính đến 15/12/2013, Việt Nam xuất siêu 650 triệu USD

Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong kỳ 1 tháng 12 (từ ngày 01/12 đến 15/12) đạt 10,59 tỷ USD, giảm 9,4% so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 11/2013.

Với kết quả đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm tính đến hết ngày 15/12/2013 đã đạt 250,93 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt gần 125,79 tỷ USD, tăng 15,4% và tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 125,14 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2012.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12/2013 có mức thặng dư 650 triệu USD.

Nguồn: