Cửa hàng cộng đồng ở Châu Âu: Cứu đói cho người nghèo
Cửa hàng cộng đồng là sáng kiến của Company Shop, một nhà phân phối lớn và là chuyên gia ngành công nghiệp cung cấp các giải pháp thực phẩm và hàng hóa dư thừa tại Anh. Cửa hàng thí điểm đầu tiên ở Anh vừa được mở tại Goldthorpe (Nam Yorkshire) - một ngôi làng nghèo khó gần như bị chính phủ quên lãng. Các gia đình ở đây chủ yếu sống nhờ vào trợ cấp xã hội ít ỏi. Nhiều gia đình phải thường xuyên đối mặt với bài toán: ai sẽ phải nhịn ăn tối nay?
Nhiều tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp thực phẩm đã và đang hậu thuẫn cho chương trình. So với một siêu thị lớn có đến 40.000 dãy hàng hóa, cửa hàng cộng đồng mới chỉ cung cấp 2.400 sản phẩm. Khi các hãng thực phẩm sản xuất quá nhiều đến mức dư thừa hoặc hợp đồng bị hủy, sản phẩm thử nghiệm hoặc có lỗi về bao bì nhưng chất lượng còn tốt và còn hạn sử dụng bị các siêu thị từ chối, tất cả đều có thể gửi đến cửa hàng cộng đồng thay vì... vứt đi. Sarah Dunwell, người chỉ đạo dự án, cho biết, các cửa hàng sẽ hoạt động như một “cầu nối từ thiện từ công ty đến người nghèo”.
Cửa hàng cộng đồng tại Anh (ảnh: The Potch)
Để phân biệt với cửa hàng chuyên bán hàng giảm giá khác và cũng để bảo vệ nhà cung cấp, cửa hàng cộng đồng phát hành thẻ thành viên cho đối tượng chuyên biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, phải nhận trợ cấp xã hội hay hưu trí. Khoảng 500 người dân ở Goldthorpe đã đăng ký tham gia chương trình.
Không chỉ là nơi bán các sản phẩm giá rẻ, cửa hàng còn là một trung tâm cộng đồng, được thiết kế có khu cà phê, có trường dạy nấu ăn tại chỗ và có cả các chương trình tư vấn riêng biệt. Thành viên có thể theo học các lớp nấu ăn, quản lý ngân sách, cách viết sơ yếu lý lịch để xin việc, tư vấn nợ, hỗ trợ cai nghiện... Nếu thành công ở Nam Yorkshire, cửa hàng cộng đồng hy vọng nhân rộng mô hình, với 20 cửa hàng trên toàn quốc vào năm tới.
Dù cửa hàng cộng đồng này chỉ mới lần đầu tiên có mặt tại Anh, nhưng ở châu Âu, mô hình siêu thị xã hội vốn đã phát triển mạnh kể từ đợt suy thoái kinh tế năm 2008, như một bài toán giải quyết cái đói cho người nghèo. Mô hình đã chứng minh được hiệu quả với khoảng 1.000 cửa hàng tại nhiều nước: Pháp, Áo, Bỉ, Luxembourg, Romania và Thụy Sĩ.
Christina Holweg, giáo sư tại Đại học kinh tế và kinh doanh Vienna (Áo), chuyên nghiên cứu về siêu thị xã hội cho rằng, nguyên nhân chính khiến mô hình này thành công là các cửa hàng không cho không thực phẩm. Khách hàng có thể lựa chọn khi mua sắm với giá tượng trưng, nhưng phải trả tiền. Vì thế, người mua thấy mình được tôn trọng. Họ là khách hàng chứ không phải người đi xin. Với Holweg, đây là “sự khác biệt”.
Sản xuất dư thừa là điều khó tránh khỏi đối với các nhà sản xuất. Còn đối với những người đang chiến đấu vất vả để có cái ăn hàng ngày, một siêu thị xã hội có thể giúp giải quyết phần nào vấn đề.
- Cách làm rõ ảnh bị mờ bằng Picsart (27/03) Nguồn:
- Nên Tặng Quà Sinh Nhật Gì Cho Bạn Gái? (06/04) Nguồn:
- Quà sinh nhật cho bạn gái rẻ mà ý nghĩa (20/03) Nguồn:
- Tại sao taxi tải đang được lựa chọn nhiều trong thời điểm hiện tại (05/02) Nguồn:
- Bồi bổ cơ thể cùng trà Sâm Ngọc Linh (03/01) Nguồn: