\'Nước rút\' lo hàng Tết

Thứ ba , 24/12/2013, 01:38 GMT+7
     
Chưa đầy năm tuần nữa, người dân TP Hồ Chí Minh và cả nước bước vào đợt mua sắm lớn nhất trong năm. Cuối tháng 12, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm trên địa bàn thành phố phải tuyển thêm người, tăng ca, nâng công suất cho kịp tung hàng ra thị trường. Năm nay, trước dự báo sức mua chưa khởi sắc nên giá hàng thực phẩm Tết sẽ tăng không đáng kể. Sản phẩm mới cũng hầu như vắng bóng...

Miệt mài tăng ca

Năm giờ, gần 300 công nhân ở hai phân xưởng sản xuất giò, lạp xưởng - hai món ăn truyền thống dịp Tết - của Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) đã bắt tay vào việc. Hàng chục tấn thịt nguyên liệu lần lượt chuyển vào các cỗ máy xay thịt, gia vị được rót vào tự động theo công thức định lượng sẵn, chẳng mấy chốc từng khối thịt giò dẻo quạnh, thơm phức ra lò. Qua những đôi tay thành thạo, uyển chuyển, các thỏi thịt giò lần lượt được cắt khúc tùy trọng lượng, cho vào túi ni-lông, sau đó được bọc thêm một lớp lá chuối bên ngoài và đưa vào nồi hấp chín... Không dưới mười tấn giò đang được Vissan sản xuất mỗi ngày theo quy trình như vậy. Bà Nguyễn Dương Hoàng Lan, Phó Quản đốc phụ trách nhãn hàng, cho biết, không chỉ xưởng chế biến giò mà gần một trăm công nhân sản xuất lạp xưởng cũng đang tăng ca từ năm giờ đến tận 23 giờ, làm cả thứ bảy, thậm chí chủ nhật. Chị Trần Thị Nhung, công nhân khâu gói lá, cho hay khoảng một tuần trở lại đây chưa ngày nào chị về trước 18 giờ. Làm hàng Tết, tuy mệt nhưng bù lại tăng ca có thêm thu nhập, thêm bữa ăn phụ, cà-phê sáng và hơn hết là... được cảm nhận không khí Tết. "Người nào cũng háo hức, hăng say làm việc!" - Chị Nhung phấn khởi cho biết.

Tại Công ty cổ phần Saigon Food, ngoài dòng sản phẩm chủ lực truyền thống như các loại lẩu, chả giò, Seachip ăn liền... đội ngũ công nhân gần 500 người cũng đang vất vả ngày đêm sản xuất cháo bổ dưỡng, sản phẩm dành riêng cho trẻ em, người già vốn bán khá chạy trong vài mùa Tết gần đây. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Saigon Food, những năm trước, sức mua tháng Tết đều cao hơn ngày thường từ 50 - 80% và năm sau cao hơn năm trước từ 20 - 30%, nên năm nay, công ty sản xuất khoảng 500 tấn hàng và thực hiện giải pháp vừa sản xuất thành phẩm hoàn chỉnh, vừa trữ nguyên liệu, vừa theo dõi thị trường để điều chỉnh cho kịp thời.

Một số doanh nghiệp khác cho biết, thông thường chậm nhất là đến giữa tháng 12 âm lịch, hàng Tết phải đến kho nhà phân phối, đại lý, cửa hàng, siêu thị... để họ chuẩn bị tung ra thị trường, nên ngay từ bây giờ, phải lên kế hoạch sản xuất "chạy nước rút" cho kịp. Tổng Giám đốc Vissan Văn Đức Mười cho biết: Năm nay, Vissan sản xuất 410 tấn giò các loại, hơn 800 tấn lạp xưởng. Cách nay hai tháng, nhà phân phối ở TP Hồ Chí Minh, miền trung, miền tây, Tây Nguyên... đã ký hợp đồng đặt cọc và yêu cầu lấy hàng trước ngày 15-12 âm lịch. Vì vậy, ngoài việc tăng ca, Vissan còn tuyển thêm lao động thời vụ vào làm việc tại một số công đoạn cần nhiều nhân công như đóng gói, bốc xếp, lau chùi nhà xưởng... Năm nay, vừa qua lễ Noel, Tết dương lịch, thì người tiêu dùng lại tiếp tục đón Tết Nguyên đán. Thời gian cách nhau chỉ một tháng, cơ hội bán hàng khó hơn vì người dân không có nhiều tiền để chi tiêu liên tục. Tôi nghĩ rằng, ngoài giải pháp giữ ổn định chất lượng, kìm giá, tăng khuyến mãi, doanh nghiệp còn phải tận dụng hết cơ hội, tìm mọi cách xuất xưởng hàng ra càng sớm càng tốt!

Chưa có sự đột phá về sản phẩm mới

Khảo sát tại một số xưởng sản xuất thực phẩm Tết cho thấy, năm nay, các doanh nghiệp hầu như không có sự đầu tư đáng kể nào cho các dòng sản phẩm mới. Sản phẩm truyền thống đang sản xuất phổ biến vẫn là các loại giò chả và lạp xưởng, kế đến là các món ăn nhanh như xúc xích, thịt xông khói, giò heo rút xương, đồ hộp, giăm-bông... Tại Vissan, doanh nghiệp nắm thị phần thực phẩm Tết lớn nhất TP Hồ Chí Minh, theo Tổng Giám đốc Văn Đức Mười, Tết năm nay công ty chuẩn bị tới 3.670 tấn hàng chế biến với khoảng 400 sản phẩm các loại, nhưng chủ lực vẫn là các món quen thuộc nhiều năm như giò, chả, xúc xích, lạp xưởng, nem, thịt kho... Thực đơn Tết năm nay của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Saigon Food, Cầu Tre, D&F hoặc một số hệ thống siêu thị có nhãn hàng riêng... cũng loanh quanh với các món cũ. Riêng Saigon Food có sản xuất thêm được năm loại cháo dinh dưỡng dành cho trẻ em, người già. Nếu tinh ý sẽ nhận thấy phần nguyên liệu tuy có khác, nhưng về cơ bản vẫn chỉ được làm trên nền tảng công thức của các món cháo từ năm trước.

Doanh nghiệp cho rằng để tung ra một sản phẩm mới không hề đơn giản. Bước đầu, phải tiến hành nghiên cứu thói quen, nhu cầu, mối quan tâm của người dùng, sau đó lên kế hoạch sản xuất, đưa mẫu ra thị trường thăm dò, nếu tỷ lệ ưa chuộng đạt yêu cầu thì mới sản xuất đại trà. Việc nghiên cứu không chỉ tốn thời gian mà còn tốn nhiều chi phí. Do vậy, nhiều doanh nghiệp thường chỉ là "nâng cấp" sản phẩm bằng việc tập trung cải tiến chất lượng, thay đổi quy cách, trọng lượng, thậm chí là bao bì chứ không dám sản xuất sản phẩm mới. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, người tiêu dùng dè xẻn chi tiêu, do đó doanh nghiệp cũng rất sợ sản phẩm mới làm ra... bị ế, không tiêu thụ được.

Nguồn: