Bài viết số 7 lớp 9
Bài làm
Bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương là một tác phẩm đặc sắc thành công cả về mặt nội dung lẫn nghệ thuật. Bài thơ ấy ấy như một nguồn nước giếng trong, khơi mãi vẫn không hết cái ngọt ngào, lắng sâu của tình yêu con người, vẫn không cạn nguồn sức mạnh truyền vào trong cuộc sống. Được sáng tác vào năm 1976, bài thơ mang đậm chất trữ tình này đã ghi lại tình cảm sâu lăng, thành kính cảu nhà thơ khi hoà vào dòng người viếng lăng Bác. Bài thơ cũng là tiếng nói, là nỗi niềm tâm sự của nhận dân Nam bộ và nhân dân cả nước dành cho Bác.
Mở đầu bài thơ là cảm xúc của tác giả khi vừa bước chân vào lăng. Nhà thơ xưng “con” và gọi “Bác”; lời thơ giản dị, mộc mạc mà chát chức bao tình cảm gần gũi, thân thương, kính trọng chủ tịch Hồ Chí Minh của ông. Điều đó càng cho thấy Bác là một con nguời rất hoà đồng và gần gũi. Chính vậy nhà thơ Tố hữ có viết “Người là Cha, là Bác, là Anh”. Chi tiết thơ “Con ở miền Nam” còn mang một sắc thái đầy xúc độgn. Khúc ruột miền Nam là miền đất xa xôi mà Bác không nguôi ngóng chờ, cho đến những ngày trước luc lâm chung thì trái tim ngươờ vẫn luôn huớng về mìen Nam ruột thịt. Nơi đó có biết bao đồng bào ta đang ngày đêm chiến đấu và anh dũng hy sinh vì một nàgy mai nước nhà thống nhất. Nhưng…Bác đã không chờ được đến ngày đó. Người đã ra đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng để lại muôn vàn niềm thương tiếc cho nhân dân ta. Câu thơ đầu gọn như một lời thông báo nhưng lại chứa chan bao tình cảm xúc độgn, bồi hồi của tác giả đối với vị cha già kính yêu của dân tộc.
Và trong cái mênh mang sương mù của mọt ngày mùa thu Hà Nội, qua con mắt thi nhân của Viễn Phương, ta chợt tìm thấy một “hàng tre” Việt Nam. Đến với Bác, đến với hàng tre, ta như đến với quê hương làng mạc, đến với mái nhà tranh âm vang lời ru của bà, của mẹ; đén với Bác là đến với dân tộc mình, thế mới đẹp làm sao! Hình ảnh nhân hoá hàng tre “bão táp mưa sa đứng thẳng hàng” còn là biểu tượng bất diệt của con người VN kiên cường, bất khuất biền bỉ. Màu xanh của tre chính là màu xanh của sức sốg VN, màu xanh của hy vnọg, hạnh phúc và hoà bình. Đây quả là một tứ thơ độc đáo, giàu ý nghĩa tượng trưng:
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàg”
Và nhà thơ phải kính yêu Bác lắm mới viết được những hình ảnh ẩn dụ tài tình này:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”
Cũng là “mặt trời” nhưng “mặt trời” ở câu thơ thứ nhất là mặt trời của thiên nhiên vũ trụ, ngày ngày tỏ sáng, đem sự sống cho muôn loài, vạn vật, nó cũng có lúc quạnh quẽo, u ám. Còn “mặt trời” của nhận dân VN. “mặt trời” trong lăng thì vẫn luôn chiếu ánh sáng vĩnh hằng, đỏ mãi. Bác chính là vầng mặt trời hồng toả tia sáng soi rọi con đừơng giúp dân tộc ta thoát khỏi kiếp đời nô lệ, là sức mạnh giúp nhân dân ta chèo lái con thuyền cách mạng cập bến vinh quang, đi đến bờ thắng lợi. Dù rằng đã ra đi mãi mãi nhưng Bác vẫn luôn bất tử, tư tưởng HCM vẫn luôn trường tồn, soi đường dẫn lối cho dân tộc ta đứng lên.
Hoà nhịp với gần trăm triệu bàn chân VN, hàng triệu bàn chân lao độgn trên thế giới, Viễn Phương bùi ngùi xúc động bước vào lăng:
“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”
Hình ảnh dòng người vào lăng viếng Bác được tác giả ví như nhưng trànghoa dâng lên người. “Bảy mươi chín” tràng hoa, ấy là bày mươi chín màu xuân, bày mươi chín năm cống hiến, hy sinh hết mình của Bác đối với dân tộc và nhân dân ta. Và quả thật, Bác chính là mùa xuân, và mùa xuân ấy đã làm cho cuộc đời người dân VN nở hoa. Điệp ngữ “ngày ngày” đứng mỗi ý thơ giữ vị trí “nhãn tự”, vừa thể hiện một qui luật trình tự của dòng người vào lăng viếng Bác, lại vừa thể hiện một qui luật tự nhiên của tạo hoá.
Đứng trước sự vĩ đại, to lớn của Bác, ta cũng vô thức bị dòng thơ cuốn và trong lăng lúc nào không hay:
“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vãn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim”
Bác đang nằm đây, ngay trước mắt nhà thơ, hiền hậu, nhân từ như một vầng trăng “dịu hiền”, mát mẻ mà vãn trong sáng rạng ngời.Ta có cảm giác như Bác vẫn chưa đi xa, vẫn chưa rời khỏi thế gian này mà Người đang ngủ đấy thôi. Lí trí thì nói bác đang ngủ, nghĩa là Bác vẫn còn sống mãi với đất nước, với dân tộc ta như trời xanh còn mãi trên đầu. Mỗi ngày ngẩng đầu nhìn ta lại thấy trời xanh, lại thấy Bác. Bác không bao giờ mất, Bác sống mãi cùng dân tộc ta, trong mỗi cuộc đời, trong mỗi sự việc mà chúng ta làm vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội. Ta biết thế, ta nghĩ thế nhưng sao tim ta vẫn “đau nhói”, mắt ta vẫn trào dâng khi nhận ra rằng: Bác đã không còn nữa! Khổ thơ thứ hai và ba là một chuỗi các hình ảnh vũ trụ: mặt trời, vầng trăng, trời xanh lồng vào nhau như để ca ngời tầm vóc lớn lao của Bác; đồng thời thể hiện lòng tôn kíh vô hạn của tác giả, của nhân dân đối với vị cha già kính yêu của dân tộc.
Bài thơ bắt đầu bằng sự kiện “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” và cũng kết thúc bằng chi tiết “Mai về miền Nam”. Đây là giờ phút sắp chia tay với Bác, tâm trạgn nhà thơ tràn đầy niềm cảm thương xen lẫn bùi ngùi, lưu luyến. Điều đó được thể hiện qua hình ảnh cuờng điệu: “Thương trào nước mắt” :
“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”
Tình thương xót nén giữa tam hồn đã làm nảy sinh bao ước muốn: “muốn là con chin” để dâng lên tiếng hót vui, “muốn là đoá hoa” dâng hương thơm ngát, “muốn làm cây tre trung hiếu” canh gác chi giấc ngủ yên lành của Bác. Nhịp điệu khổ thơ lúc này dồn dập với điệp ngữ “muốn làm” nhắc lại đến ba lần và các hình ảnh liên tiếp xuất hiện như một dòng khát khao mãnh liệt của nhà thơ muốn được gần Bác mãi mãi.
Bằng tất cả tình cảm chan thành, Viễn Phương đã làm “Viếng lăng Bác” trở thành một bản tình ca bất tận để lại ấn tượng sâu sắc cho bao người dân Việt Nam. Bài thơ hay không chỉ vì các nghệ thuật, kĩ sảo độc đáo mà quan trọgn hơn, đó là sự kết hợp nhuẫn nhị giữa cái “tâm” của một nguời con yêu nước và cái “tài” của người nghệ sĩ. Rất nhiều năm tháng đã đi qua nhưng mỗi thế hệ đọclại “Viếng lăng Bác” đều đón nhận vào tâm hồn mình một ánh sáng tư tưởng, tình cảm của nhà thơ và đồng thời cũng thấm nhuần vẻ đẹp trong suốt, lấp lánh toả ra từ chính cuộc đời, trí tuệ và trái tim Bác Hồ.
Bài viết số 7 lớp 9 đề 2: Nêu cảm nhận của em về bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh
Bài làm
Bài thơ là những cảm nhận ,những rung động man mác, bâng khuâng của tác giả trước vẻ đẹp và sự biến đổi kỳ diệu của thiên nhiên trong buổi giao mùa .Không phải là sắc “mơ phai” hay hình ảnh “con nai vàng ngơ ngác” mà là hương ổi thân quen nơi vườn mẹ đã đánh thức những giác quan tinh tế nhất của nhà thơ :
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se,
Câu thơ có hương vị ấm nồng của chớm thu ở một miền quê nhỏ .Tín hiệu đầu tiên để tác giả nhận ra mùa thu là “hương ổi”. Mùi hương quê nhà mộc mạc “phả” trong gió thoảng bay trong không gian .Cảm giác bất chợt đến với nhà thơ : “bỗng nhận ra” -một sự bất ngờ mà như đã chờ đợi sẵn từ lâu lắm .Câu thơ không chỉ tả mà còn gợi liên tưởng đến màu vàng ươm , hương thơm lựng , vị giòn, ngọt, chua chua nơi đầu lưỡi của trái ổi vườn quê .Và không chỉ có thế ,cả sương thu như cũng chứa đầy tâm trạng,thong thả, chùng chình giăng mắc trên khắp nẻo đường thôn :
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về .
Sương thu đã được nhân hoá ,hai chữ “chùng chình” diễn tả rất thơ bước đi chầm chậm của mùa thu . Nếu ở câu thơ đầu tiên nhà thơ “bỗng nhận ra” thu về khá bất ngờ và đột ngột thì sau khi cảm nhận sương thu ,gió thu, thi sỹ vẫn ngỡ ngàng thốt lên lời thầm thì như tự hỏi: Hình như thu đã về? Tâm hồn thi sỹ nắm bắt những biến chuyển nhẹ nhàng, mong manh của tạo vật trong phút giao mùa cũng êm đềm, bâng khuâng như bước đi nhỏ nhẹ của mùa thu.
Không gian nghệ thuật của bức tranh thu được mở rộng hơn ,cái bỡ ngỡ ban đầu vụt tan biến đi nhường chỗ cho những rung cảm mãnh liệt trước không gian thu vời vợi :
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Sông nước đầy nên mới “dềnh dàng” nhẹ trôi như cố tình chậm lại ,những đàn chim vội vã bay về phương nam …Không gian thu thư thái , hữu tình và chứa chan thi vị, đặc biệt là hình ảnh :
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Câu thơ giúp ta hình dung về đám mây mỏng nhẹ ,trắng xốp ,kéo dài như tấm khăn voan duyên dáng của người thiếu nữ thảnh thơi , nhẹ nhàng “ vắt nửa mình sang thu”.Câu thơ có tính tạo hình không gian những lại có ý nghĩa diễn tả sự vận động của thời gian : thu bắt đầu sang, hạ chưa qua hết, mùa thu vừa chớm, rất nhẹ, rất dịu, rất êm , mơ hồ như cả đất trời đang rùng mình thay áo mới …
Khổ thơ thứ ba diễn tả rất rõ sự biến chuyển của không gian và cũng là một thoáng suy tư của nhà thơ trước cảnh vật, đất trời :
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi
Vẫn là nắng, mưa, sấm, chớp của mùa hạ vương lại đâu đây , song chỉ là “vẫn còn” , “đã vơi dần”, “ cũng bớt bất ngờ” bởi mùa thu đã đến .Ý thơ còn gợi liên tưởng đến con người khi đã lớn tuổi và từng trải thì những giông gió, thăng trầm của cuộc đời ít làm con người ta bất ngờ, bị động .Những suy tư đó của tác giả có lẽ đã góp phần làm cho “Sang thu” trở nên giàu ý nghĩa .
Hình ảnh thơ đẹp , ngôn từ tinh tế , giọng thơ êm đềm và những rung động man mác ,bâng khuâng của tác giả trong buổi giao mùa đã tạo nên một dấu ấn không dễ phai mờ trong lòng bao độc giả . Có lẽ vì vậy mà sau khi đọc “Sang thu” của Hữu Thỉnh ta càng thấy yêu hơn mùa thu thiết tha, nồng hậu của quê nhà .
Bài viết số 7 lớp 9 đề 3: Phân tích bài thơ mùa xuân nho nhỏ của thanh hải.
Bài làm
Mùa xuân là để tài bất tận của thơ ca. Song, cái cảm nhận về mùa xuân của các nhà thơ theo thời gian có nhiều thay đổi. Đối với Mãn Giác Thiền sư, một cao tăng nổi tiếng thời Lý, mùa xuân mang một tính triết lý sâu sắc:
“Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai”
Còn đối với những nhà thơ trước cách mạng, mùa xuân gợi lên một nét sầu cảm:
“Tôi có chờ đâu, có đợi đâu,
Mang chi xuân đến gợi thêm sầu.” (Chế Lan Viên)
Nhưng đối với nhà thơ Thanh Hải, mùa xuân mang một nét đẹp đáng yêu tươi thắm; gợi lên trong lòng người đọc nhiều hình ảnh rạo rực tươi trẻ. Vì thế, mùa xuân trong thơ của TH là biểu tượng cho sức sống mạnh mẽ của quê hương, dân tộc. Tất cả đã được thể hiện rõ nét trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”, một bài thơ đặc sắc được nhà thơ viết không lâu trước khi qua đời.
Người xưa có câu: “Thi trung hữu họa”. Thơ ca vẽ nên những bức tranh tuyệt đẹp của cuộc sống. Mở đầu bài thơ, TH đã phác họa nên một bức tranh xuân giản dị mà tươi đẹp:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chim mà vang trời”
“Dòng sông xanh” gợi nhắc hình ảnh những khúc sông uốn lượn của dải đất miền Trung quanh co, đó có thể là dòng sông Hương thơ mộng, một vẻ đẹp lắng đọng của xứ Huế mộng mơ.Trên gam màu xanh lơ của dòng sông thơ mộng, nổi bật lên hình ảnh “một bông hoa tím biếc”. Không có màu vàng rực rỡ của hoa mai, cũng không có màu đỏ thắm của hoa đào, mùa xuân của TH mang một sắc thái bình dị với màu tím biếc của bông hoa lục bình. Đây là một hình ảnh mang đậm bản sắc của cố đô Huế. Không biết tự bao giờ màu tím đã trở thành màu sắc đặc trưng của con người và đất trời xứ Huế. Màu tím biếc gợi nhớ hình ảnh những nữ sinh xứ Huế trong những bộ áo dài màu tím dịu dàng thước tha. Nhà thơ đã sử dụng biện pháp nghệ thuật đảo ngữ, đưa động từ ” mọc” lên đầu câu như một cách để nhấn mạnh vẻ đẹp tươi trẻ, đầy sức sống của mùa xuân thiên nhiên. Trong bức tranh mùa xuân của TH, không chỉ có hình ảnh , mà còn có âm thanh xao xuyến, ngân nha của con chim chiền chiện. Tiếng chim lảnh lót vang lên làm xao động cả đất trời, làm xao xuyến cả tâm hồn thi sĩ nhạy cảm của nhà thơ. Những từ ngữ cảm thán “ơi, hót chi” đã thể hiện rõ nét cảm xúc của nhà thơ. Mùa xuân của thiên nhiên đã đem đến cho nhà thơ một cảm giác ngây ngất. Mùa xuân ấy không có gì khác lạ, vẫn là một mùa xuân rất giản dị trên quê hương xứ Huế của nhà thơ. Nhưng nhà thơ bỗng nhận ra vẻ đẹp lạ kì của mùa xuân, một vẻ đẹp mà bấy lâu nhà thơ không để ý. Phải chăng vì đây là lần cuối cùng được ngắm nhìn mùa xuân quê hương nên nhà thơ cảm thấy mùa xuân ấy đẹp hơn, tươi sáng hơn ?
Say sưa, ngây ngất trước vẻ đẹp giản dị và nên thơ của mùa xuân, nhà thơ bồi hồi xúc động:
“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng:
“Giọt long lanh” là giọt mưa xuân, giọt nắng vàng hay giọt sương sớm ? Theo mạch cảm xúc của nhà thơ thì có lẽ đây là giọt âm thanh của tiếng chim ngân vang. Bằng một cảm nhận tinh tế, nhà thơ đã hình tượng hóa tiếng chim thành một sự vật có hình dáng, đây là một sự sáng tạo rất mới mẻ chỉ có thể có được nhờ tâm hồn nhạy cảm của một thi sĩ. Như vậy, chỉ bằng ba nét vẽ: dòng sông xanh, bông hoa tím và tiếng chim ngân vang khắp đất trời, nhà thơ đã phác họa nên một bức tranh xuân tuyệt đẹp trên cố đô Huế.
Từ vẻ đẹp thanh khiết của mùa xuân thiên nhiên, nhà thơ liên hệ đến mùa xuân của đất nước, mùa xuân của cách mạng:
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ”
Bốn câu thơ mang cấu trúc song hành thể hiện rõ hai nhiệm vụ của nhân dân: chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và sản xuất làm giàu nước nhà. Hai nhiệm vụ ấy đặt nặng lên vai của người chiến sĩ – “người cầm súng” và người nông dân – “người ra đồng”. Nét đặc sắc của đoạn thơ là việc sáng tạo hình ảnh “lộc”. “Lộc” là chồi non, cành biếc; “lộc” còn tượng trưng cho sự may mắn, niềm an lành trong năm mới. Đối với người chiến sĩ, “lộc” là cành lá ngụy trang che mắt quân thù. Đối với người nông dân, “lộc” là những mầm mạ non trải dài trên đồng ruộng bát ngát, báo hiệu một mùa bội thu. Người chiến sĩ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc sẽ đem về “lộc” là sự an lành niềm vui, niềm tự hào chiến thắng cho dân tộc. Người nông dân gieo trồng lúa trên đồng ruộng sẽ đem về “lộc” là những hạt gạo trắng ngần, những bát cơm ngon ngọt cho đồng bào cả nước. Cả dân tộc bước vào xuân với khí thế khẩn trương và náo nhiệt:
“Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao…”
Bằng cách sử dụng từ láy “hối hả-xôn xao” cùng với điệp từ, tác giả đã mang đến cho câu thơ một nét rộn ràng, nhộn nhịp. “Hối hả” nghĩa là vội vả, khẩn trương. “Xôn xao” là có nhiều âm thanh trộn lẫn vào nhau, làm cho náo động. Từ những âm thanh xôn xao và sự hối hả của con người, nhà thơ lại suy tư về sự phát triển của đất nước qua bốn ngàn năm lịch sử:
“Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”
Chặng đường lịch sử của đất nước qua bốn ngàn năm trường tồn đã trải qua biết bao thăng trầm, với bao nhiêu là “vất vả và gian lao”. So sánh đất nước với vì sao sáng, nhà thơ đã thể hiện niềm tự hào đối với đất nước và dân tộc. Sao là nguồn sáng bất diệt, là vẻ đẹp vĩnh hằng trong không gian và thời gian. Ngôi sao sáng đã trở thành vẻ đẹp lộng lẫy trên lá cờ VIệt Nam, trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp ngời sáng của con người và đất nước Việt Nam. Đất nước vẫn không ngừng phát triển, vẫn “cứ đi lên phía trước” để sánh vai cùng các cường quốc năm châu trên thế giới. Đoạn thơ thể hiện ý chí vươn lên không ngừng của con người và dân tộc Việt Nam.
Trong không khí tưng bừng của đất nước vào xuân, nhà thơ cảm nhận được một mùa xuân tươi trẻ, rạo rực trỗi dậy trong tâm hồn. Đó là mùa xuân của lòng người, mùa xuân của sức sống tươi trẻ, mùa xuân của sự cống hiến và hòa nhập:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”
Nhịp thơ dồn dập và điệp từ “ta làm” diễn tả rõ nét khát vọng cống hiến của nhà thơ. Nhà thơ muốn làm một con chim, muốn làm một nhành hoa thắm trong vườn hoa xuân để dâng tiếng hót tha thiết, để tỏa hương sắc tô điểm cho mùa xuân đất nước. “Nốt trầm” là nốt nhạc tạo nên sự lắng đọng sâu xa trong một bản nhạc. Trong cái không khí tưng bừng của ngày hội mùa xuân, nhà thơ muốn làm một nốt nhạc trầm để góp vào khúc ca xuân của dân tộc một chút vấn vương, xao xuyến. Từ khát vọng hòa nhập, nhà thơ thể hiện rõ hơn khát vọng cống hiến của mình ở những câu thơ tiếp theo:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
“Mùa xuân nho nhỏ” là cách nói ẩn dụ đầy sáng tạo của nhà thơ. Mỗi con người đều có thể góp một phần công sức của mình như “một mùa xuân nho nhỏ” để tô hương thêm sắc cho quê hương đất nước. “Dâng” là một hành động cống hiến, cho đi mà không dòi hỏi sự đền đáp. Phép đảo ngữ nhằm nhấn mạnh khát vọng cống hiến chân thành của nhà thơ. Nhà thơ muốn góp công sức của mình trong công cuộc xây dựng đất nước nhưng chỉ với một thái độ hết sức khiêm tốn, không khoa trương mà chỉ “lặng lẽ”, âm thầm nhưng lại là toàn tâm toàn ý, như nhà thơ Tố Hữu đã khẳng định:
“Lẽ nào cho vay mà không trả
Sống là cho đâu chỉ nhân riêng mình.”
Điệp từ “dù là” được điệp lại hai lần thể hiện rõ sự tự tin, bất chấp thời gian và tuổi tác của nhà thơ. Qua khổ thơ, nhà thơ đã nhấn mạnh một ý nghĩa hết sức sâu sắc: nhiệm vụ cống hiến xây dựng đất nước là của mọi người và là mãi mãi. Không ai là không có nghĩa vụ xây dựng đất nước, và nghĩa vụ ấy kéo dài cả một đời người, từ tuổi đôi mươi cho đến khi đầu đã điểm bạc theo năm tháng. Đây là lời kêu gọi mọi người cùng chung vai gánh vác công việc xây dựng và phát triển đất nước, để đất nước có thể vững vàng mà tiếp tục “đi lên phía trước”.
Khổ thơ cuối là tiếng hát yêu thương nhà thơ ban tặng cho đất nước và dân tộc, như một sự hiến dâng cuối cùng cho quê hương đất nước:
“Mùa xuân-ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế”
Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, TH muốn hát lại hai làn điệu dân ca quen thuộc của quê hương xứ Huế. Có lẽ trong những ngày tháng nằm trên giường bệnh, khi bị tử thần rình rập, nhà thơ lại thấy quê hương của mình đẹp hơn, bản sắc quê hương mình cũng đáng tự hào hơn. Đây cũng là cách để nhà thơ thể hiện tình yêu quê hương, nguồn cội. Đoạn thơ cho ta thấy rõ nhà thơ rất yêu mến quê hương thơ mộng của mình, có lẽ cũng từ đó mà nhà thơ có thể mở rộng tình cảm để yêu mến đất nước, mới có thể cống hiến cả cuộc đời cho nước nhà. Bởi lẽ, chỉ có những người biết yêu thương quê hương xóm làng thì mới có thể mở rộng lòng mình để yêu mến đất nước dân tộc.
Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được viết theo thể thơ năm tiếng, với cấu trúc gồm bảy khổ, mỗi khổ từ bốn đến sáu câu. Những hình ảnh ẩn dụ sáng tạo, biện pháp nhân hóa, điệp ngữ và những từ ngữ tượng hình được sử dụng thành công đã tạo nên nét đặc sắc của bài thơ. Qua đó, ta có thể cảm nhận được cái thi vị trong hồn thơ TH.
Tình yêu thiên nhiên, sự xúc động trước vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, mùa xuân cách mạng và khát vọng cống hiến đã được TH gửi gắm qua bài thơ “mùa xuân nho nhỏ”. Tuy là tác phẩm được viết không lâu trước khi nhà thơ qua đời nhưng bài thơ vẫn để lại trong lòng bao thế hệ bạn đọc những cảm xúc sâu lắng khó phai mờ. Và, Bài thơ vẫn sẽ tiếp tục trường tồn cùng với những bước đi lên của đất nước, gợi nhắc cho những thế hệ trẻ một cách sống đẹp: góp một “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc, để đất nước ta sẽ mãi tươi đẹp như trong tiết xuân. Thế mới biết, cuộc đời của con người thì có hạn những những giá trị tinh thần mà con người để lại cho đời sau thì có giá trí vĩnh hằng.
- Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên mùa hè trong bài thơ Cảnh Ngày Hè của Nguyễn Trãi (13/10) Nguồn:
- Phân tích bài thơ Thuật Hoài (Tỏ Lòng) của Phạm Ngũ Lão (13/10) Nguồn:
- Phân tích nhân vật Chí Phèo và 3 lần Chí đến nhà Bá Kiến trong truyện Chí Phèo (27/09) Nguồn:
- Phân tích bi kịch tinh thần trong tác phẩm Đời Thừa của Nam Cao (27/09) Nguồn:
- Phân tích tác phẩm Hạnh phúc của một tang gia của Vũ Trọng Phụng (27/09) Nguồn: