Màu sắc đặc trưng trong lễ Rằm tháng giêng ở Việt Nam

Thứ hai , 10/02/2014, 07:54 GMT+7
     
Ngày 15/1 hay còn gọi là ngày rằm tháng Giêng là một trong những ngày rất quan trọng theo lịch âm của người châu Á. Có nơi thậm chí còn quan niệm \"Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng\".

Việt Nam với truyền thống lịch sử hơn 4000 năm Văn Hiến, nền văn hóa Việt Nam mang biểu trưng của văn hóa nông nghiệp lúa nước, định canh định cư; là sự giao hòa cố kết của 54 dân tộc anh em, điều đó không làm cho văn hóa Việt Nam trở nên phức tạp mà càng tô đậm thêm sự đa dạng trong vườn hoa văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

 

 

Trong quá trình phát triển văn hóa, việc giao lưu và tiếp biến văn hóa là một xu hướng tất yếu, trong sự giao lưu tiếp biến đó văn hóa Trung Hoa và văn hóa Ấn Độ là hai nền văn hóa có ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn hóa Việt Nam.

Theo truyền thống văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước vụ mùa gieo trồng thường được bắt đầu vào khoảng 15 tháng giêng, sau một thời gian dài nghỉ tết Nguyên Đán. Người nông dân bắt đầu công việc đồng áng và bắt đầu một vụ mùa, cho nên họ đốt rạ, khai hoang, và hạ điền. Trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam nét văn hóa này thể hiện rất rõ với ba vụ mùa trong năm “Rằm tháng giêng ai siêng thì quảy, rằm tháng bảy kẻ quảy người không, rằm tháng mười, mười người mười quảy”; hay câu: “Lễ chùa quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”. Đủ thấy tầm quan trọng của ngày lễ này đối với người dân Việt Nam, có thể nói những ngày lễ này đã hòa quyện giữa văn hóa truyền thống và Phật giáo.

Trong 12 cái rằm, rằm tháng Giêng mang nhiều ý nghĩa với nhiều tên gọi khác nhau như: Tết Nguyên tiêu, Nguyên tịch, Nguyên dạ , Thượng nguyên.v.v… cách gọi này bắt nguồn từ sự giao lưu và tiếp biến văn hóa Trung Hoa và có  sự kết hợp hài hòa với văn hóa bản địa, người dân ai cũng mong mõi có một vụ mùa tốt tươi thay vì đốt rạ khai hoang thì người Trung Hoa có một lễ hội cúng “Hoa Đăng” hay còn goi là tết Nguyên Tiêu.

Rằm tháng giêng theo theo Phật giáo là ngày vía Đức Phật A Di Đà. Đa số các chùa đều thờ Phật Thích Ca, đấng giáo chủ sinh tại Ấn Độ cách đây hơn 2500 năm. Chỉ những chùa nào theo Tịnh Độ tông mới thờ Đức Phật A Di Đà, là giáo chủ cõi Thiên Đường, tên riêng gọi là Tây phương Cực lạc. Pháp môn Niệm Phật là pháp môn đơn giản nhất, và nhanh chóng về cõi Tây phương. Cho nên “lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng giêng” là ý nghĩa về cầu sanh Tinh độ.

Như vậy, có thể thấy Rằm tháng giêng của người Việt có nét tương đồng như Tết Nguyên Tiêu của người Trung Hoa, nhưng ở Việt Nam, Tết Thượng Nguyên mang đậm màu sắc Phật giáo hơn so với nguyên bản của nó.

Nguồn: