Quan điểm trong sáng tác nghệ thuật của Hồ Chí Minh

Thứ hai , 10/02/2014, 06:51 GMT+7
     
Hồ Chí Minh không chỉ là nhà cách mạng vĩ đại, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới mà còn là nhà văn nhà thơ lớn của nước nhà. Sự nghiệp văn thơ Người có ảnh hưởng lớn đến văn học Việt Nam hiện đại. Người để lại một di sản văn học lớn lao về tầm vóc, phong phú về thể loại, đa dạng về phong cách, sâu sắc về nội dung tư tưởng, sáng tạo độc đáo về phương diện nghệ thuật.

Văn thơ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh có phong cách độc đáo ,đa dạng mà thống nhất, kết hợp sâu sắc nhuần nhị giữa chính trị và văn chương , giữa tư tưởng và nghệ thuật , giữa truyền thống và hiện đại. Mỗi thể loại văn học, Người lại có phong cách độc đáo riêng biệt.

Phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống gia đình , môi trường văn hoá , hoàn cảnh sống , hoạt động cách mạng , cá tính và quan điểm sáng tác của Người.

 

 

Thứ nhất, Hồ Chí Minh xem văn nghệ là một hoạt động tinh thần phong phú và phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng; nhà văn cũng phải ở giữa cuộc đời, góp phần vào nhiệm vụ đấu tranh và phát triển xã hội. Văn chương trong thời đại cách mạng phải có chất thép.

 

“Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp,

Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông

Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong”

 

Thứ hai, đối tượng thưởng thức của nền văn chương cách mạng là quảng đại quần chúng. Trước khi viết, Người luôn đặt ra và trả lời các câu hỏi: Viết cho ai (đối tượng thưởng thức), Viết cái gì (nội dung), Viết để làm gì (mục đích viết), Viết như thế nào (cách viết).

Thứ ba, Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi tới tính chân thực của văn nghệ. Người khuyên các nghệ sĩ phải bớt đi chất thơ mộng, tăng thêm chất hiện thực. Phải miêu tả cho hay, cho chân thật cuộc sống mới, con người mới. Người luôn chú ý tới hình thức biểu hiện của văn nghệ: phải diễn đạt giản dị, dễ hiểu, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Ngoài ra, Người đặc biết chú ý để dung hòa giữ tính quần chúng và tính bác học trong chính các tác phẩm văn chương của mình.

 

Nguồn: