Vẻ đẹp của người lính trong khổ thơ cuối bài Đồng chí (bài hay)

Thứ hai , 24/02/2014, 08:08 GMT+7
     
Nhà thơ Chính Hữu trưởng thành từ người lính thuộc trung đoàn thủ đô, rồi nổi lên trong thơ ca yêu nước chống Pháp với phong cách thơ bình dị, cảm xúc dồn nén, vừa thiết tha trầm hùng, vừa sâu lắng, hàm xúc. Phần lớn các sáng tác của ông đều tập trung vào hình ảnh người lính, đặc biệt khai thác sâu tình cảm, tình đồng chí, đồng đội. “Đồng chí” là bài thơ được sáng tác vào năm 1948, cũng là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách thơ Chính Hữu. Bài thơ nói về tình đồng chí, đồng đội thắm thiết, sâu nặng của những người lính cách mạng, đồng thời còn hiện lên hình ảnh chân thực, giản dị mà cao đẹp của anh bộ đội cụ Hồ thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trong bài thơ này, những câu thơ đầu được tác giả dành để tập trung giới thiệu về quê hương của các anh bộ đội. Các anh mỗi người một quê - những vùng quê nghèo khó - song đã về đây để cùng tham gia kháng chiến, cùng chịu đựng gian khổ, chung lưng đấu cật bên nhau. Với ngôn từ mộc mạc, giản dị, chân chất, mang đậm nét đồng quê, nhà thơ đã dẫn dắt người đọc cảm nhận về quê hương các anh – những người lính một cách thật nhất.

 

Cuộc sống của người lính cụ Hồ trong kháng chiến có bao nhiêu vất vả, cực khổ, chúng ta đã được nghe rất nhiều. Đó thật sự là những tháng ngày nếm mật nằm gai để phục vụ cho sự nghiệp cao đẹp của toàn dân tộc, sự nghiệp giải phóng đất nước. Các anh có đủ mọi hoàn cảnh để ta phải cảm thán “Áo anh rách vai, quần tôi có vài mảnh vá” trong những đêm trời rét chỉ có một mảnh chăn mỏng hay những cơn sốt rét rừng hành hạ...Thế nhưng, vượt lên trên tất cả khó khăn, những người lính vẫn “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Cái năm tay ấy, chính đôi tay nắm chặt ấy lên ý nghĩa thiêng liêng, cao đẹp của tình đồng đội, của ý chí quyết tâm đánh giặc. 

Kết tụ ở cuối bài thơ là những hình ảnh

“Đêm nay rừng hoang sương muối 

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới 

Đầu súng trăng treo.”

Chỉ với ba câu thơ mà tác giả đã vẽ nên một bức tranh đẹp về tình đồng chí, đồng đội của người lính, là biểu tượng đẹp về cuộc đời người chiến sĩ. Điểm nhấn trong bức tranh ấy là ba hình ảnh gắn kết với nhau : đẹp về tình đồng chí, đồng đội của người lính, là biểu tượng đẹp về cuộc đời người chiến sĩ. Điều gì đã làm cho những con người bằng da, bằng thịt ấy, đêm khuya trong rừng sâu thẳm, giá lạnh, sương gió, đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết vẫn nhận ra là đêm có trăng, trăng treo đầu ngọn súng ? Hình ảnh “Đầu súng trăng treo” là hình ảnh đẹp nhất vì nó vừa là hình ảnh thực vừa là hình ảnh tượng trưng. Chính là sức mạnh của tình người trong sinh tử, tình đồng đội trong cam go giúp họ vượt lên tất cả những khắc nghiệt của thời tiết và mọi gian khổ, thiếu thốn. Có một thứ tình nằm trong nhiều thứ tình, mà lại khác biệt những thứ tình cảm khác, nó mang tên tình đồng đội. Tình đồng đội đã sưởi ấm tâm hồn người lính, đã kết tinh một nguồn nội lực phi thường.

Khi nói về đứa con tinh thần của mình, Chính Hữu đã bộc bạch " “Đầu súng trăng treo”, ngoài hình ảnh, bốn chữ này còn có nhịp điệu như lắc của một cái gì lơ lửng chông chênh trong sự bát ngát. Nó nói lên một cái gì lơ lửng ở rất xa chứ không phải là buộc chặt, suốt đêm vầng trăng ở bầu trời cao xuống thấp dần và có lúc như treo lơ lửng trên đầu mũi súng. Những đêm phục kích chờ giặc, vầng trăng như một người bạn". Hình ảnh có phần chân thực của cuộc kháng chiến, của những người lính khi chờ giặc tới, cũng có phần rất đẹp, rất nên thơ.

Giá trị tượng trưng của “Đầu súng trăng treo” được tạo nên nhờ vào việc sử dụng bút pháp hiện thực và lãng mạn, vừa thực, vừa mơ, vừa xa, vừa gần, vừa mang tính chiến đấu, vừa mang tính trữ tình. Vừa chiến sĩ vừa thi sĩ. Vượt ra ngoài ý nghĩa của ngôn từ, ta thấy sáng ngời lên thứ tình cảm trong sáng của người chiến sĩ. Mối tình đồng chí đang nảy nở, vươn cao, tỏa sáng từ cuộc đời lửa đạn, chiến chinh. Người đọc thơ không khỏi xúc động, bất ngờ trước hình ảnh thơ độc đáo này, đây cũng là điểm thú vị, thu hút trong thơ Chính Hữu. Qua đó, ta cũng thấy toát lên mục đích cao đẹp, lí tưởng chiến đấu và tình nghĩa thiêng liêng của anh bộ đội Cụ Hồ trong những tháng ngày xông pha chiến trận.

Nhịp thơ chậm, giọng thơ hơi cao, ngôn từ bình dị kết hợp với bút pháp xây dựng hình ảnh độc đáo, ba câu thơ cuối đã khắc họa rất chân thực, sâu sắc về hình ảnh người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp. 

Thực dân Pháp rồi đến Đế quốc Mĩ trong cơn bàng hoàng của những thất bại liên tiếp ở chiến trường Việt Nam, vẫn không thể lý giải được, tại sao, đội quân tinh nhuệ với rất nhiều vũ khí tối tân, hiện đại của chúng lại phải đầu hàng trước quân đội nhân dân Việt Nam, nhỏ bé về lực lượng, nghèo nàn về phương tiện ? Chúng không biết được rằng, sức mạnh đoàn kết, sưc mạnh của sự tức nước vỡ bờ trỗi dậy từ đây, tình đồng chí, đồng đội. Tình cảm thiêng liêng ấy đã hun đúc nên ý chí sắt đá và tinh thần chiến đấu quật cường của quân đội nhân dân Việt Nam. Giúp cho chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù, giành lại hòa bình thống nhất nước nhà.

Nguồn: