Dân vẫn thờ ơ với nguy cơ nhiễm bệnh từ gia cầm nhập lậu

Thứ ba , 24/12/2013, 01:31 GMT+7
     
Mỗi ngày lượng gia cầm Trung Quốc nhập lậu vào các tỉnh biên giới nước ta rất lớn và khó kiểm soát. Đây cũng là con đường nguy hiểm khiến dịch cúm gia cầm có thể xâm nhập vào nước ta và bùng phát nhanh chóng. Thêm vào đó, việc người dân có thói quen tiêu thụ gia cầm, thủy cầm sống không cần giấy tờ hay kiểm dịch dễ khiến dịch cúm gia cầm lây lan nhanh chóng với \"diễn biến khó lường\" như đã từng xảy ra trước đây.
Gia cầm nhập lậu có thể mang theo nhiều mầm virus cúm và lây lan, bùng phát thành dịch.Ảnh:baohaiquan.vn
Miền Bắc đang trong giai đoạn thời tiết lạnh giá khiến sức đề kháng của gia cầm, thủy cầm giảm. Nếu việc lây nhiễm cúm gia cầm xảy ra thì sẽ rất dễ bùng phát thành dịch. Thêm vào đó, Tết Nguyên Đán đang tới gần khiến nhu cầu tiêu thụ gia cầm cũng tăng cao thì việc nhập lậu các loại gia cầm từ Trung Quốc vào nước ta cũng hoạt động mạnh hơn bao giờ hết.
 
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2013 đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại một số tỉnh thành với tổng số gia cầm mắc bệnh là 123.363 con, trong đó gà chiếm tỉ lệ 17,3%; vịt và ngan chiếm 82,7%. Gia cầm thường mắc các chủng cúm là cúm A, H5 và H5N1.
 
Hiện cúm A H7N9 và H10N8 đã từng bùng phát, hoành hành tại Trung Quốc vẫn chưa xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm 2 chủng cúm này vẫn luôn hiện hữu. Mỗi ngày, một lượng lớn gia cầm có nguồn gốc Trung Quốc vẫn được nhập lậu vào nhiều tỉnh biên giới phía Bắc và được đem đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng.
 
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm dịp cuối năm là rất cao, nhất là khi cả người mua và người bán không ý thức được hậu quả của việc giết mổ gia cầm một cách tràn lan. Cúm A H7N9 có khả năng nây lan cao và dễ dàng lây nhiễm từ gia cầm sang người nên nếu xảy ra dịch bệnh thì việc khống chế là khá khó khăn. Tại Trung Quốc dịch cúm này cũng đã từng khiến nhiều người chết và lượng gia cầm lây nhiễm bệnh cũng khá lớn. Đối với chủng cúm A/H10N8, tuy chưa có cảnh báo từ tổ chức Y tế thế giới nhưng việc phòng tránh vẫn được tiến hành như với cúm A H5N1 và H7N9.
 
Vấn đề khống chế gia cầm nhập lậu đã được nhắc đến từ nhiều năm nay, tuy nhiên chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”. Cùng lắm việc nhập lậu chỉ tạm lắng trong một thời gian rồi lại sôi động y như cũ.
 
Tại các chợ, gia cầm, thuỷ cầm sống vẫn được bán và giết mổ công khai, hoạt động mua bán tấp nập nhưng không hề bị kiểm soát. Chưa kể, tình trạng trên cả nước hiện nay là người tiêu dùng vẫn chọn mua gia cầm, thủy cầm bằng mắt thường, theo thói quen chứ cũng chẳng hề quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, hay giấy tờ kiểm dịch, để rồi đến khi dịch bùng phát, dân lại quay ra tẩy chay gia cầm, thuỷ cầm lây bệnh, làm ảnh hưởng cả đến những hộ chăn nuôi tuân thủ đúng quy trình để có gia cầm sạch. Cái vòng luẩn quẩn này gần như năm nào cũng tái hiện giống như quy luật tự nhiên, dân thì đương nhiên phải chấp nhận vì có cảm giác, hình như mình đang quay về với cuộc sống sơ khai.
Nguồn: