Khó cấm nhóm trẻ không phép
Tại buổi họp đột xuất của HĐND TP HCM với Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) và UBND 24 quận, huyện vào sáng 23-12 về tình hình quản lý các trường mầm non (MN) tư thục, nhóm trẻ gia đình (NTGĐ), bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP, băn khoăn: “Không quản được là cấm thì không ổn. Người dân đòi hỏi các cơ quan chức năng phải quản lý cho tốt, không thể không quản lý được thì lập tức đóng cửa”.
Thiếu chỗ học
Ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho biết nếu kiên quyết đình chỉ những nhóm trẻ không phép thì chỉ còn phương án bố trí trẻ vào các trường, nhóm trẻ có phép nhưng như vậy, sĩ số sẽ tăng. Hiện phường Linh Xuân có 100 trẻ, phường Bình Chiểu 415 trẻ không thể bố trí chỗ học. Riêng với số trẻ trong độ tuổi 6-12 tháng, chỉ còn cách vận động phụ huynh đưa đến những nơi an toàn.
Tại quận Bình Tân, 2 phường Bình Hưng Hòa A và Bình Hưng Hòa B chưa có trường MN. Quận có đất nhưng không có vốn xây trường.
“Dù quận đã làm việc ráo riết với các KCN, yêu cầu xây dựng trường MN nhưng quy định doanh nghiệp chỉ được sản xuất khiến trường MN duy nhất trong KCN do Công ty Pouchen xây dựng cũng phải liên kết với một đơn vị mới đủ thẩm quyền” - ông Phạm Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết.
Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, nêu thực trạng: TP có 870 trường MN được cấp phép, các trường ngoài công lập chiếm 52,2%. Trong 309.279 trẻ MN, có 148.207 cháu học ở trường ngoài công lập (chiếm 47,9%). Nếu tính cả trẻ ở những NTGĐ không phép thì số lượng rất lớn. Trong khi đó, đa số các trường hiện chỉ nhận trẻ từ 18 tháng trở lên.
Dù điều lệ trường MN quy định các phường phải có trường MN công lập nhưng đến nay, TP HCM vẫn còn 9 phường chưa có. Bên cạnh đó, dù quy định các KCN phải có trường MN nhưng 3 năm qua, chỉ 4 lớp MN ở huyện Bình Chánh được xây dựng nhưng là ghép với một trường MN công lập.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Phó Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, cho biết năm 2011, trong 1.293 phòng học được xây mới chỉ có 184 phòng dành cho bậc MN. Các địa phương nếu thấy vướng chỗ nào thì phải tham mưu cho TP biết. Hiện việc dành quỹ đất để xây trường MN trong KCN cũng rất ít.
Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, dân số đông, cơ sở nuôi dạy trẻ thiếu, dân nhập cư mỗi năm một tăng, TP đã nhiều lần đề cập nhưng việc quản lý nhà nước vẫn còn bất cập. Phải xác định nguyên nhân để tìm ra giải pháp chứ không thể chỉ đưa ra giải pháp hành chính, lấp chỗ trống.
“Cái dễ nhất là cấm. Như vậy, chúng ta toàn làm việc dễ. Vấn đề không phải dừng lại ở việc có chỗ gửi hay không mà là giá cả có hợp lý không, có thuận lợi không. Cần hướng dẫn cho người dân những gì, hỗ trợ người trông trẻ như thế nào... cũng là vấn đề cần thiết” - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận xét.
Đại diện nhiều quận, huyện đồng ý với quan điểm phải chấp nhận NTGĐ như một lẽ đương nhiên và tìm giải pháp quản lý. Ông Truyền thừa nhận tại quận Thủ Đức có tình trạng không kiên quyết xử lý những điểm NTGĐ không phép, quá trình thẩm định chưa sâu cộng với sự chủ quan.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó GĐ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, cho rằng mức phạt NTGĐ không phép quá thấp, không nhằm nhò gì nếu cơ sở chấp nhận đóng phạt xong rồi hoạt động tiếp. Theo bà, không thể máy móc đóng cửa hàng loạt NTGĐ mà phải rà soát, cấp phép cho cơ sở nào đủ điều kiện.
Không đủ sức quản lý
Trong khi đó, bà Trần Thị Kim Thanh cho biết quan điểm của Sở GD-ĐT TP HCM là đóng cửa các NTGĐ không phép vì không đủ sức quản lý nếu buông ra. Các địa phương cần rà soát nếu NTGĐ có đủ điều kiện thì cấp phép ngay, không được thì đình chỉ, không thể có chuyện cho thêm thời gian. Vì như vậy, trong lúc chờ NTGĐ đủ điều kiện thì có thể xảy ra trường hợp đáng tiếc.
Cũng theo bà Trần Thị Kim Thanh, tuy có nhiều văn bản, chỉ thị nhưng không phải chúng ta đều làm tốt. Hơn nữa, hiện nay, nhiều cơ chế rất bất cập.
“Chúng tôi cần TP trả lời nếu có hỗ trợ thì hỗ trợ các nhóm trẻ được vay như thế nào? TP có nhiều trẻ 5 tuổi học tại các trường ngoài công lập, vậy ngân sách có hỗ trợ gì cho các trường tư gánh hộ số trẻ 5 tuổi cho mình hay không? - bà Trần Thị Kim Thanh đặt vấn đề.
Không thiếu thực lực
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, nếu cấm không được thì phải tập hợp NTGĐ lại để tuyên truyền kỹ năng, chăm sóc trẻ. Phải thành lập ban chỉ đạo, rà soát một số hộ gia đình có nhu cầu giữ trẻ, hỗ trợ cho họ vay vốn để nâng cấp cơ sở.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng nếu nói thiếu thực lực thì không đúng. TP HCM luôn quan tâm, đầu tư, chăm sóc các cháu nhưng chỉ vì thiếu sự đồng bộ, thiếu trách nhiệm của từng bên liên quan. Phải phân công, giao trách nhiệm cụ thể hơn nữa; xem xét lại công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện vấn đề, hướng dẫn, tạo điều kiện chứ không phải để làm khó cơ sở. Cần xem họ cần hỗ trợ gì; quận, huyện, ngành giáo dục hỗ trợ được gì để các nhóm trẻ hoạt động. Tất cả vì mục tiêu quản lý nhà nước nhưng vẫn phải lo chỗ học cho các cháu.
- Tác dụng của dưa gang là gì? (25/04) Nguồn:
- Tác dụng của dưa leo là gì? (25/04) Nguồn:
- Tác dụng của dầu dừa là gì? (23/04) Nguồn:
- Tác dụng của nghệ vàng tươi là gì? (23/04) Nguồn:
- Tác dụng của nước dừa tươi là gì? (23/04) Nguồn: