Giải quyết chỗ gửi trẻ mầm non: Không dễ
Mở đầu phiên họp, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, cho biết: “Giáo dục mầm non nhiều năm qua dù nhận được rất nhiều sự quan tâm của lãnh đạo TP nhưng do điều kiện địa bàn dân số đông, cơ sở nuôi dạy trẻ thiếu khiến những bất cập vẫn tồn tại”. Tuy nhiên, sau chỉ thị yêu cầu về việc chấn chỉnh, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ ở các trường, lớp, cơ sở giáo dục mầm non do Chủ tịch UBND TPHCM vừa ký ban hành, sẽ có hiệu lực từ ngày 30-12-2013, điều khiến nhiều đại biểu băn khoăn là việc “kiên quyết đóng cửa các cơ sở không đủ điều kiện” sẽ tạo ra hàng loạt bất cập khác như làm thế nào giải quyết đủ chỗ học cho trẻ, tái tạo việc làm cho một bộ phận bảo mẫu, giáo viên sau khi đóng cửa các nhóm trẻ không phép.
Ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho biết: “Hiện nay trên địa bàn quận Thủ Đức vẫn chưa bố trí được chỗ học cho 100 trẻ ở phường Linh Xuân, 415 trẻ ở phường Bình Chiểu vì nếu bố trí vào các trường, nhóm lớp được cấp phép sẽ khiến sĩ số ở những nơi này tăng hơn 45 trẻ/lớp, vượt quá quy định cho phép”.
Giờ tập thể dục của các cháu Trường Mầm non Họa Mi 2, quận 5. Ảnh: BẢO NGỌC |
Mặt khác, ông Hứa Ngọc Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận 2, đặt câu hỏi: “Đóng cửa nhóm trẻ không phép sẽ tạo thêm áp lực tìm chỗ gởi con cho một bộ phận người dân có nhu cầu. Nhưng nếu không kiên quyết đóng cửa các cơ sở giữ trẻ không phép, khi xảy ra bạo hành, ai là người chịu trách nhiệm?”.
Vì vậy, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH, địa phương không nên máy móc đồng loạt đóng cửa hay không đóng cửa nhóm trẻ không phép mà phải tiến hành rà soát, tận dụng nguồn lực từ các cơ sở đạt chuẩn, chỉ kiên quyết đóng cửa cơ sở không đạt chuẩn và tồn tại nguy cơ nguy hiểm đối với trẻ em. Ngoài ra, bài toán giải quyết chỗ học cho trẻ mầm non không thể giải quyết trong một sớm một chiều mà phải có lộ trình từ nay đến năm 2015, thậm chí 2020, trong đó đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ngành giáo dục, y tế và lao động.
Khắc phục hàng loạt bất cập về quy định
Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, đã nêu lên hàng loạt bất cập hiện nay trong vấn đề thực hiện chính sách, quy định phổ cập như: Điều lệ trường mầm non quy định tất cả phường, xã đều có trường mầm non công lập nhưng thực tế hiện nay vẫn còn 9 phường trên địa bàn TP chưa có trường mầm non công lập. Các văn bản hướng dẫn, quy định hiện nay mới đề cập đến mức tối đa số lượng trẻ được phép giữ của một điểm trường, nhóm lớp nhưng lại không quy định mức tối thiểu khiến việc xác định và xử phạt còn gặp nhiều khó khăn. Ở các địa phương hiện nay mới chỉ có chuyên viên phụ trách phổ cập chứ chưa có chuyên viên phụ trách giáo dục...
Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, thang bảng lương khởi điểm hiện nay dành cho đối tượng bảo mẫu chỉ dừng ở hệ số 1.0, tương đương 1.150.000 đồng/tháng. Với mức thu nhập đó, đơn vị rất khó tuyển dụng đội ngũ bảo mẫu trình độ, tay nghề cao.
Bên cạnh đó, vấn đề định biên cán bộ chuyên trách cũng khiến nhiều đại biểu băn khoăn. “Hiện nay chúng ta đang chủ trương tiết kiệm biên chế. Nhưng khi xảy ra tiêu cực như ở Thủ Đức, hơn 100 nhóm trẻ chưa được cấp phép thì 1, 2 cán bộ không thể nào kiểm tra, quán xuyến nổi. Nếu nói họ chưa làm tròn trách nhiệm rồi kỷ luật thì không sai nhưng oan uổng lắm. Phải tạo điều kiện cho phường, xã làm tốt trách nhiệm trước khi truy cứu về mặt xử phạt”, Phó Chủ tịch UBND quận 2 Hứa Ngọc Thảo bày tỏ.
Một khía cạnh khác, theo ông Phạm Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, quy định nhà nước hiện nay chỉ cho phép quận duyệt dự án xây dựng trường phổ thông, các dự án xây trường mầm non phải đưa về Sở Xây dựng thẩm duyệt. “Nhưng ai cũng biết thời gian tính từ ngày nộp hồ sơ đến khi được Sở Xây dựng phê duyệt ít nhất cũng mất 1 năm. Do đó, để giải quyết bài toán thiếu chỗ học cấp bách hiện nay, địa phương phải lách luật, chia nhỏ tổng số vốn đầu tư xây dựng các dự án ra thành nhiều đợt để đẩy nhanh quá trình thẩm định”, đại diện quận Bình Tân cho biết.
Kết thúc phiên thảo luận, đồng chí Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM cho biết sẽ tiếp thu hết các ý kiến đóng góp của đại biểu, trình Thường trực HĐND TPHCM xem xét, giải quyết để có hướng khắc phục trong thời gian tới.
- Tác dụng của dưa gang là gì? (25/04) Nguồn:
- Tác dụng của dưa leo là gì? (25/04) Nguồn:
- Tác dụng của dầu dừa là gì? (23/04) Nguồn:
- Tác dụng của nghệ vàng tươi là gì? (23/04) Nguồn:
- Tác dụng của nước dừa tươi là gì? (23/04) Nguồn: