Sự khởi đầu hoang tưởng của tiền ảo Bitcoin
Lịch sử hình thành
Bitcoin mới chỉ có lịch sử 5 năm hình thành và phát triển. Khác với các loại tiền tệ phổ biến trên thế giới được phát hành bởi Chính phủ như đồng Đô la Mỹ hay đồng Yen Nhật, Bitcoin là một loại tiền tệ nằm ngoài hệ thống tiền tệ và hình thức phát hành các Bitcoin là nét độc đáo của các loại "tiền ảo".
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi chính phủ Mỹ bơm tiền ra để cứu hệ thống tài chính ngân hàng, cộng đồng mạng đã nghĩ tới việc phát minh ra một loại tiền ảo để tránh sự kiểm soát của ngân hàng nhà nước, trở thành một loại tiền tệ giao dịch trên cộng đồng mạng, không chịu sự quản lý của ngân hàng nào. Đó cũng là lý do để cho ra đời đồng Bitcoin.
Đầu tháng 11/2008, nhân vật có tên Satoshi Nakamoto đã đưa lên mạng ý tưởng về đồng tiền ảo Bitcoin. Bitcoin được vận hành bởi một hệ thống máy tính ngang hàng (peer-to-peer) được lập nên bởi các máy tính của người dùng. Satoshi Nakamoto tự sinh ra 50 bitcoin đầu tiên vào ngày 3/1/2009.
Bitcoin hoạt động dựa vào những thuật toán mật mã cao cấp. Những người tham gia cập nhật giao dịch bằng cách chạy một phần mềm chuyên dụng, đổi lại sẽ được thưởng một số bitcoin. Các thuật toán trong hệ thống tạo ra Bitcoin được thiết lập sao cho ngày càng khó để có thể "đào" được Bitcoin.
Càng nhiều người tham gia mức độ phức tạp của các bài toán ngày càng tăng lên, ngoài phần thưởng sẽ bị cắt còn một nửa cứ sau mỗi 210.000 lần thưởng, cho nên lúc đầu cứ 10 phút có 50 bitcoin nhưng từ cuối năm 2013 chỉ còn 25 bitcoin. Dự tính đến 2017 chỉ còn 12,5 bitcoin và cuối năm 2040 đồng tiền này sẽ đạt mức 21 triệu bitcoin.
Tổng số Bitcoin được tạo ra không bao giờ được phép vượt quá con số 21 triệu, sau đó coi như không còn có thêm đồng tiền nào nữa. Qui tắc này được đưa ra để không ai có thể phát hành Bitcoin ồ ạt và giảm giá trị của những đồng tiền đang lưu thông.
Mọi giao dịch đều được ghi vào một cuốn sổ có tên là "block chain". Đây là một quyển sổ cái, sổ kế toán công cộng khổng lồ ghi lại tất cả giao dịch, trong đó mỗi trang trong quyển sổ đó là một Block, trang này đầy thì sẽ ghi sang trang mới; quyển sổ này có một đặc điểm là có số trang vô hạn.
Bất cứ ai tham gia cũng được giữ cuốn sổ này, họ không thể gian lận, mọi giao dịch sẽ không bao giờ có thể bị thay đổi hay xóa đi và không ai có thể kiểm soát được đồng tiền này. Một điều khá quan trọng, các giao dịch đều dưới dạng mã hóa nên không bao giờ tiết lộ danh tính người sở hữu.
Ưu việt so với tiền thật?
Bitcoin tồn tại không thông qua bất kỳ một ngân hàng trung ương nào, không một ai hay công ty nào điều hành Bitcoin, nó được vận hành bởi tất cả những người dùng. Chính vì thế, bitcoin không phụ thuộc vào ngân hàng nhà nước, cũng như giới tài phiệt, loại tiền này cũng không thể tự sinh ra ồ ạt giống như tiền thật chính phủ muốn in bao nhiêu cũng được.
Người dùng Bitcoin cũng không cần phải đăng ký tài khoản, không cần nhà bank, không cần thẻ tín dụng, không cần email, không cần phải có user-name hay passwords, không cần biết tên tuổi, địa chỉ, giới tính, quốc tịch, màu da, đẳng cấp, tầng lớp, trình độ... để nhận hay gửi bitcoins.
Bitcoin còn là một mạng lưới phân bố, phân trung, ngang hàng chuyển giao tiền tệ, có thể gửi bitcoin trực tiếp cho một người khác mà không cần qua một trung gian nào, bất kể thời gian, bất chấp không gian, với một lệ phí cực kì thấp, gần như bằng 0, hoặc thậm chí bằng 0.
Bởi vậy, các giao dịch của bitcoin không phải chịu những loại phí giao dịch trung gian và hoàn toàn đứng ngoài các chính sách tiền tệ và tài khóa.
Người sở hữu bitcoin có thể mua bán đồng tiền này và qui đổi ra một vài đồng tiền khác. Bitcoin cũng có thể được chuyển trực tiếp từ người này sang người khác trên Internet thông qua phần mềm tương thích. Những đặc điểm này khiến Bitcoin trở thành một đồng tiền lý tưởng cho việc làm đồng tiền thanh toán trong các giao dịch quốc tế vì không cần phải chú ý đến trả phí cho ngân hàng hay biến động tỷ giá.
Sự ra đời của đồng tiền bitcoin không chỉ như một thách thức với những tài phiệt ngân hàng mà còn là đòn cảnh báo với quyền in tiền - vốn là hình thức thu thuế từ người dân của các chính phủ.
Từ trước đến nay đã có nhiều phỏng đoán về Satoshi là ai nhưng mọi thông tin vẫn chỉ là phỏng đoán. Nhiều ý kiến cho rằng, Satoshi Nakamoto không phải là một con người thật, có người cho rằng đây là viết tắt của bốn tập toàn công nghệ lớn là Samsung, Toshiba, Nakamichi và Motorala. Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng, đây là một nhóm người của Google hay cơ quan an ninh Mỹ.
Trong bài báo đăng trên tờ The New Yorker năm 2011, nhà báo Joshua Davis cho rằng Satoshi Nakamoto có thể là nhà xã hội học người Phần Lan Vili Lehdonvirta hoặc chuyên gia Anh Michael Clear, người tốt nghiệp ngành mã khóa học ở ĐH Trinity College Dublin. Tất cả những người bị "tình nghi" đều lên tiếng từ chối không phải là mình. Sau khi bitcoin ra mắt người sử dụng, sự liên hệ với người đàn ông này càng thêm hạn chế, và hoàn toàn kết thúc vào khoảng giữa năm 2010. Trong khi đó, giá trị của đồng bitcoin thì ngày một tăng vọt, dẫn tới khả năng suy đoán Satoshi có thể là người cực kỳ giàu có. |
- Tác dụng của dưa gang là gì? (25/04) Nguồn:
- Tác dụng của dưa leo là gì? (25/04) Nguồn:
- Tác dụng của dầu dừa là gì? (23/04) Nguồn:
- Tác dụng của nghệ vàng tươi là gì? (23/04) Nguồn:
- Tác dụng của nước dừa tươi là gì? (23/04) Nguồn: