Vai trò chủ đạo của Hội Nông dân ở một quận vùng ven

Thứ ba , 24/12/2013, 01:31 GMT+7
     
Quận vùng ven Bình Tân có diện tích tự nhiên hơn 5.188 ha, thực tế chỉ còn 300 ha đất canh tác nông nghiệp. Dù còn ít đất sản xuất nhưng hoạt động hội nông dân vẫn rất mạnh với gần 2.746 hội viên...

Đầu năm 2013, bà Trần Thị Mỹ (ở 108, Tây Lân, khu phố 7, phường Bình Trị Đông A) xin lập trang trại trồng hoa lan và xin xây dựng công trình tạm (trên đất nông nghiệp) để phục vụ mục đích trồng lan. Cùng thời điểm này, cũng tại phường Bình Trị Đông A, ông Nguyễn Văn Lót (83, Ao Đôi, khu phố 10) cũng nộp hồ sơ đề nghị chính quyền cho phép xây dựng công trình tạm phục vụ việc trồng lan. Thấy các nông dân này chí thú làm ăn, mục đích xin xây dựng công trình tạm phù hợp với tiến trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nên Hội Nông dân đã tham mưu UBND quận ban hành Thông báo số 603/TB-UBND, trong đó, UBND quận chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị phối hợp Phòng Kinh tế tham mưu UBND quận cấp phép xây dựng công trình tạm để phục vụ việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của hai hộ dân trên. Đồng chí Trần Ngọc Toản, Chủ tịch Hội Nông dân quận Bình Tân, cho biết: "Hiện, hai hộ bà Mỹ, ông Lót đang kinh doanh hoa lan cắt cành hiệu quả. Điều này minh chứng cho việc Hội Nông dân và chính quyền đã làm đúng chủ trương, hợp lòng dân. Đây là nội dung mà trước nay quận chưa có quy trình giải quyết phù hợp".

Giữa năm 2013, các hộ nông dân tại phường Bình Hưng Hòa gồm: Trịnh Duy Độ, Nguyễn Đăng Bộ, Phún Cỏng Sầu, Phan Đình Hiếu (cư trú tại tuyến hẻm 160/29 đường số 11, khu phố 12, phường Bình Hưng Hòa) phản ánh quyền sử dụng đất cấp sai thửa, hồ sơ trễ hạn và phản ánh quận chậm giải quyết hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất. Hội Nông dân quận đã chỉ đạo Hội Nông dân phường xuống nắm tình hình. Các đảng viên đang giữ trọng trách tại khu phố trên cũng là nông dân nên nội dung vụ việc sớm được phản ánh. Từ đó, Hội Nông dân quận đã đề nghị và được UBND quận chấp thuận giải quyết: Giao Phòng Tài nguyên và Môi trường quận có văn bản hướng dẫn UBND mười phường quy trình chung về giải quyết những hồ sơ liên quan đến việc trùng ranh lấn thửa; giao UBND phường Bình Hưng Hòa chủ trì, phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường quận tiếp xúc và giải quyết cụ thể từng trường hợp theo quy định.

Một trường hợp khác là nông dân Tô Thị Sứ (845/2/5 Hương Lộ 2, khu phố 8, phường Bình Trị Đông A) có đề nghị UBND quận cho tách phần đất với diện tích 693 m2 của bà ra khỏi dự án đầu tư xây dựng Trường THCS Bình Trị Đông A để thuận tiện cho việc hợp thức hóa nhà đất. Qua phản ánh của Hội Nông dân, UBND quận đã ra văn bản kiến nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố chấp thuận điều chỉnh ranh giới dự án đầu tư xây dựng ngôi trường nêu trên; giao Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận xác định rõ bồi thường dự án và bàn giao hồ sơ pháp lý cho Phòng Tài nguyên và Môi trường quận để điều chỉnh quyết định thu hồi đất... để bà Sứ có được "sổ đỏ" riêng nhằm thuận tiện cho việc sản xuất nông nghiệp. Đồng chí Trần Ngọc Toản cho biết thêm: "Nhờ các đảng viên nông dân ở phường luôn sâu sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên, nên mỗi khi có vấn đề phát sinh, Hội sẽ cùng với chính quyền giải quyết nhanh cho bà con".

Theo báo cáo, Hội Nông dân các phường của quận Bình Tân đã tham gia hòa giải 226 vụ (hòa giải thành 126 vụ, đạt tỷ lệ 55,75%) khiếu nại, khiếu kiện, mâu thuẫn làng xóm. Nhờ có các đảng viên nông dân làm nòng cốt nên tại 7/10 phường (chỉ còn bảy phường còn đất nông nghiệp), đa số các nguyện vọng của nhà nông đều được đáp ứng kịp thời. "Ngoài ra, các hội viên nông dân còn tham gia công tác Đảng, công tác chính quyền với nhiều vai trò như Bí thư, Phó Bí thư chi bộ khu phố; Trưởng Ban điều hành khu phố nên các cấp hội gần nông dân "sát sườn". Không những vậy, nhiệm kỳ qua, chúng tôi còn giới thiệu kết nạp 28 đảng viên nông dân mới, vượt chỉ tiêu mà Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh giao", đồng chí Toản không giấu sự hài lòng, cho biết như vậy.

Dựa vào các nòng cốt là hội viên - đảng viên, Hội Nông dân quận đã thành lập bảy chi hội và 29 tổ ngành nghề như: chi hội nuôi cá, chi hội hoa lan, chi hội rau mầm, tổ bonsai cây kiểng, tổ se nhang... Từ đó, 119 nông dân sản xuất giỏi đã giúp được 218 hộ nông dân khác thoát nghèo. Trong phong trào xây dựng nếp sống văn minh, đã có 3.308 lượt nông dân đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", 164 nông dân được công nhận "Người tốt, việc tốt", 41 cán bộ nông dân được tuyên dương điển hình "Dân vận khéo".

"Từ năm 2012 đến nay, Hội, mà nòng cốt là các đảng viên nông dân, còn vận động hội viên hiến 4,74 ha đất làm đường giao thông, mua 80 thẻ BHYT cho nông dân nghèo, tặng 283 suất học bổng cho con em hội viên và giải quyết 561 triệu đồng cho hội viên vay phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, bộ mặt vùng ven Bình Tân chắc chắn sẽ văn minh, hiện đại hơn, trong đó có công sức rất lớn của hàng nghìn nông dân chịu thương chịu khó" - đồng chí Trần Ngọc Toản quả quyết như vậy.

Nguồn: